Đó là sáng kiến làm tấm pin năng lượng mặt trời hữu cơ theo phương pháp nhuộm (dye solar cells) của Phan Đình Long Nhật, 18 tuổi, sinh viên năm nhất, ngành Điện - điện tử cùng với những anh chị sinh viên năm cuối của trường.
Nhật cho biết, năng lượng mặt trời cùng với những nguồn năng lượng tái tạo khác đang là xu thế của thế giới. Tuy nhiên, làm sao để tấm pin này cũng thân thiện môi trường, dễ chế tạo, tái chế hơn để năng lượng mặt trời xanh hơn. “Pin năng lượng mặt trời (solar cells) bình thường làm bằng chất vô cơ silic, quá trình để làm ra silic sẽ sinh ra CO2, CFC (góp phần gây thủng tầng ozone). Và sau quá trình sử dụng 20 - 30 năm, những tấm pin mặt trời này bị hỏng thì không thể tái chế do đó sẽ gây ảnh hưởng tới môi trường”, Nhật phân tích.
Cách đây 3 tháng, Nhật theo dõi một chương trình về bùng nổ năng lượng mặt trời ở Việt Nam, điều này càng thôi thúc Nhật và các bạn phải tìm tòi, nghiên cứu nhiều hơn. Với sự hỗ trợ từ các thầy cô, kết hợp với lợi thế giỏi tiếng Anh (Nhật đang học toàn bộ chương trình bằng tiếng Anh) giúp bạn không khó để tìm hiểu đa dạng tài liệu về pin mặt trời hữu cơ của Đức, Nga, Nhật, Hàn Quốc… Từ đó, Nhật chọn lớp nhuộm là nước ép củ nghệ, trái dâu tây hoặc lá mâm xôi. “Sở dĩ là nước ép của 3 loại củ, quả trên bởi cấu trúc của 3 loại màu này có hiệu suất chuyển đổi năng lượng cao nhất. Chúng tôi muốn cảm ơn anh Đặng Công Thuận, sinh viên năm 4 ngành khoa học ứng dụng hướng dẫn những bước đầu tiên để chúng tôi tạo ra được pin năng lượng mặt trời hữu cơ theo phương pháp nhuộm này”, Nhật nói. Điều thú vị, Nhật chính là nhân vật trong loạt bài Nghị lực mùa thi 2019 của Báo Thanh niên, lớn lên không có cha bên cạnh, gia đình hoàn cảnh khó khăn nhưng Nhật đã bước tới cánh cổng trường ĐH bằng khao khát được học và thay đổi số phận lớn lao.
Ngày 20/12, trao đổi với PV Báo Thanh niên, PGS-TS Võ Viết Cường, Khoa Điện - điện tử Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, đánh giá cao tinh thần ham học hỏi và sáng tạo của Nhật. “Mới là sinh viên năm nhất, xuất phát chuyên môn chưa có, nhưng ở Nhật có sự chịu khó tìm tòi, học hỏi và tình yêu nghề nghiệp. Tôi nghe Nhật trình bày ý tưởng về pin năng lượng mặt trời hữu cơ, xu hướng của thế giới, tốt cho môi trường, tôi ủng hộ ngay và giới thiệu em với nhóm các bạn sinh viên năm cuối đang làm luận án tốt nghiệp ĐH cũng về đề tài này”, PGS-TS Võ Viết Cường nói.
Theo ông, điều quan trọng nhất của mỗi nghiên cứu đó là tính ứng dụng, hiệu quả trong thực tế. Với pin năng lượng mặt trời hữu cơ, quan trọng nhất là hiệu suất. Nếu như tấm pin thông thường làm từ silic, hiệu suất chuyển đổi từ ánh sáng sang điện năng là trên dưới 20% (trong phòng thí nghiệm lên đến 40%) thì pin hữu cơ mà nhiều nơi nghiên cứu cũng đang có hiệu suất chỉ khoảng 3%. “Tuy nhiên, ý tưởng của Nhật có triển vọng, tôi đang động viên các em hoàn thiện nghiên cứu, có báo cáo cụ thể, nếu đạt tiêu chuẩn có thể đăng trên tạp chí khoa học quốc tế, biết đâu Nhật cũng như các em khác có cơ hội được học tập, nghiên cứu ở nước ngoài, như vậy sẽ rộng mở con đường làm khoa học của các em”, PGS-TS Võ Viết Cường chia sẻ.
Nhật cho biết, sau Tết Nguyên đán 2020, giai đoạn 2 của quá trình làm pin mặt trời hữu cơ được nhóm tiến hành, phương pháp nhuộm được thay thế bằng cấu trúc mới mà nhóm đã nghiên cứu tìm tòi suốt nhiều tháng nay tiết kiệm hơn và tận dụng các nguồn lực sẵn có, các chất được tổng hợp thân thiện và gần gũi với cuộc sống.
Link gốc