Vì sao?
Huyện Hóc Môn có hơn 7.000 doanh nghiệp (DN) với nhiều nhà xưởng có diện tích mái lớn, thuận lợi phát triển ĐMTMN. Tuy nhiên, đến cuối tháng 9/2019, chỉ có 26 DN lắp đặt ĐMTMN. Đây cũng là tình trạng chung của các quận, huyện khác trên địa bàn thành phố. Bà Nguyễn Ngọc Tường Vi - Quyền Trưởng Ban Kinh doanh Tổng công ty Điện lực TP. HCM (EVNHCMC) cho biết, thành phố có khoảng 20 khu công nghiệp, khu chế xuất và khu công nghệ cao (gọi chung là khu công nghiệp), với tổng diện tích mái nhà khoảng 145 triệu m2. Nếu các DN trong các khu công nghiệp lắp điện mặt trời mái nhà sẽ mang lại lợi ích rất lớn. Không chỉ tiết kiệm được tiền điện hàng tháng, mà điện mặt trời còn góp phần làm mát mái nhà, giúp DN tiết kiệm được chi phí quản lý, vận hành các thiết bị làm mát như quạt công nghiệp, điều hòa nhiệt độ… Đặc biệt, ĐMTMN còn bổ sung nguồn điện quan trọng cho hệ thống điện quốc gia.
Công trình điện mặt trời mái nhà của Công ty Sao Bắc Đẩu (khu chế xuất Tân Thuận, Quận 7, TP HCM)
|
Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Ngọc Tường Vi, dù tiềm năng và lợi ích là rất lớn, nhưng hiện chưa có nhiều DN trong các khu công nghiệp ở TPHCM lắp điện mặt trời mái nhà. Một trong những nguyên nhân là do diện tích mái lớn nên vốn đầu tư ban đầu cao. Bên cạnh đó, Chính phủ chưa ban hành chính sách về giá điện mặt trời cho những công trình lắp sau ngày 30/6/2019, nên các DN vẫn có tâm lý chờ đợi.
Cần một “cú hích”
Thời gian qua, EVNHCMC đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, tổ chức các cuộc hội thảo dành riêng cho các DN chia sẻ về quyền và lợi ích cũng như các giải pháp phát triển nguồn điện này. Bên cạnh đó, EVNHCMC cũng đã phối hợp với Sở Công Thương tham mưu cho UBND Thành phố về các cơ chế thúc đẩy phát triển ĐMTMN ở các DN, các cơ quan hành chính sự nghiệp trên địa bàn. Thời gian tới, EVNHCMC cũng rút ngắn thời gian thử nghiệm, đấu nối và ký hợp đồng mua bán điện mặt trời với khách hàng. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Ngọc Tường Vi, để các DN “mặn mà” hơn, rất cần một “cú hích”. Cụ thể Nhà nước, UBND Thành phố cần có chính sách, cơ chế hỗ trợ về mặt tài chính; cho phép triển khai mô hình ESCO...
Theo đại diện Sở Công Thương TP.HCM, thời gian tới, Sở Công Thương sẽ phối hợp với Ngân hàng Thế giới đề xuất các mô hình hợp lý, hiệu quả, phát triển điện mặt trời tại các mái nhà có diện tích lớn trên địa bàn. Đồng thời, phối hợp với EVNHCMC vận động, tuyên truyền, đẩy mạnh phát triển điện mặt trời mái nhà tại các DN.
Ông Lưu Tiến Đạt - Phó Giám đốc Công ty Sao Bắc Đẩu (Khu Chế xuất Tân Thuận, Quận 7): Công ty Sao Bắc Đẩu lắp điện mặt trời mái nhà từ năm 2017 với tổng công suất 68 kWp. 3 năm qua, hệ thống này đã giúp Công ty giảm 40% sản lượng điện tiêu thụ hàng tháng; đặc biệt là giảm được giá mua điện ở khung giờ cao điểm…
Phát triển điện mặt trời mái nhà ở TPHCM tính đến cuối tháng 9/2019:
- Hơn 4.000 khách hàng đã lắp điện mặt trời mái nhà
- Tổng công suất hơn 41 MWp
- Sản lượng điện phát lên lưới: 6,2 triệu kWh
- Tổng số tiền EVNHCMC thanh toán cho khách hàng: Hơn 5,29 tỷ đồng.
|