Thái Bình: Khi nông dân tiết kiệm năng lượng

Các giải pháp tiết kiệm năng lượng đã tác động tích cực đến người dân nông thôn nhờ công tác tuyên truyền sâu rộng của các cơ quan, ban, ngành. Trong lĩnh vực trồng trọt, nhiều nông dân đã phân tích, cân nhắc đầu tư công nghệ, tiến bộ kỹ thuật mới để tiết kiệm năng lượng, nâng cao hiệu quả sản xuất.

Trang trại rộng 5,5ha của ông Trần Văn Thưởng, xã Hồng An (Hưng Hà, Thái Bình) là mô hình điển hình về tập trung ruộng đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả. Để nâng cao giá trị, hiệu quả sản xuất, ngoài việc canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, ông Thưởng áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt và phun mưa cho cây trồng. Chi phí đầu tư ban đầu cho một hệ thống tưới nhỏ giọt và phun mưa từ 2 - 3 triệu đồng/sào song có thể sử dụng được 6 năm, thậm chí hơn.

Hiệu quả của việc áp dụng công nghệ này đã đem lại cho gia đình ông 1,5 tỷ đồng/năm. Ông Thưởng cho biết: Trước đây, để tưới cho từng gốc cây, một người chỉ tưới được khoảng 2 sào/ngày. Từ khi lắp đặt hệ thống tưới tiên tiến này, chỉ cần 1 - 2 tiếng là đủ lượng nước cho cây sinh trưởng, phát triển. Khác với phương pháp tưới truyền thống chỉ làm ẩm phần đất xung quanh cây trồng, hệ thống tưới nhỏ giọt có lưu lượng tưới nhỏ, thời gian một lần tưới kéo dài, chu kỳ tưới ngắn, có thể mang nước, phân bón đến đúng "địa chỉ" với liều lượng vừa đủ dùng thông qua hệ thống van, đường ống, máy bơm. Nhờ đó, năng suất và chất lượng các loại quả vượt trội hơn hẳn, cây trồng ít bị sâu bệnh hại. Phương pháp này giúp tiết kiệm khoảng 40% lượng nước so với tưới theo phương pháp truyền thống, tiết kiệm điện, giảm công lao động.

Nông dân xã Hồng Việt (Đông Hưng) áp dụng công nghệ tưới phun mưa trong trồng hoa, cây cảnh.

Mô hình tưới phun mưa cũng đang được nông dân trồng hoa xã Hồng Việt (Đông Hưng) áp dụng hiệu quả. Bà Lê Thị Thanh Thuy, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: Tiết kiệm năng lượng là một trong những nội dung được chúng tôi quan tâm tuyên truyền thường xuyên. Toàn xã hiện có trên 300 hộ trồng hoa, cây cảnh với diện tích trên 100ha. Để tiết kiệm năng lượng, các hộ trồng hoa đã sử dụng đèn led thay đèn compact để chong, thúc cho hoa sinh trưởng, phát triển đúng thời điểm mong muốn. Tuy mức đầu tư ban đầu lớn nhưng số tiền điện phải trả hàng tháng giảm đáng kể. Ngoài ra, toàn xã có gần 50 hộ đầu tư lắp đặt hệ thống tưới nước phun mưa, vừa giảm công lao động, tiết kiệm nước lại giúp canh tác hoa màu đạt năng suất cao.

Với hiệu quả thiết thực trong sản xuất nông nghiệp nên hiện nay, công nghệ tưới nước tiết kiệm (tưới nhỏ giọt, phun mưa) đã được áp dụng tại một số trang trại, vùng sản xuất lớn trên địa bàn tỉnh trong canh tác nhiều loại cây trồng như cà chua, cây ăn quả, hoa... qua đó góp phần tiết kiệm điện, nước. Tuy nhiên, những mô hình này trên địa bàn tỉnh chưa nhiều. Để nhân rộng kỹ thuật tưới nhỏ giọt, phun mưa thì các địa phương và ngành Nông nghiệp cần thực hiện các giải pháp đồng bộ như: Tích tụ ruộng đất để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung cho từng loại cây trồng; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến khích các trang trại, gia trại áp dụng rộng rãi mô hình này vào sản xuất nông nghiệp.

Xem link gốc Tại đây


  • 26/11/2019 08:52
  • Nguồn: Báo Thái Bình
  • 948