Ứng dụng hệ thống phao 'made in Vietnam' tại nhà máy điện mặt trời nổi

Các nhà khoa học Viện Nghiên cứu Cơ khí (Narime) thuộc Bộ Công Thương đã nghiên cứu thành công hệ thống phao nổi, hệ thống neo, hiện đã ứng dụng thành công tại Nhà máy Điện mặt trời nổi hồ Đa Mi.

Toàn cảnh Nhà máy Điện mặt trời nổi hồ Đa Mi. Nguồn ảnh: evn.com.vn

Để xây dựng một nhà máy điện mặt trời cần diện tích đất lớn nên nhiều dự án điện mặt trời hiện nay gặp khó khăn về mặt bằng. Trong khi đó, nếu lắp đặt điện mặt trời nổi, nhà đầu tư sẽ tận dụng được các hồ, đầm nuôi tôm, khu nước lợ, rừng ngập mặn, những vùng nước hoang hóa, đặc biệt là những nước có bờ biển, tiết kiệm triệt để đất đai canh tác của người dân.

Mặt khác, do dàn pin mặt trời lắp trên mặt nước được làm mát nên hiệu suất phát điện cao hơn so với điện mặt trời lắp trên mặt đất, chi phí vận hành, bảo dưỡng giảm... Việt Nam có thế mạnh về các hồ thủy điện. Nếu tận dụng được diện tích các mặt hồ thủy điện thì sẽ có nhiều lợi thế. Tuy nhiên, khi đặt tấm pin trên mặt nước cần tính toán dao động của mực nước hồ và độ bền của vật liệu nổi nên cần có các nghiên cứu về vật liệu nổi, phương án kết bè nổi, phương án neo bè trong lòng hồ.

Viện Nghiên cứu Cơ khí đã nghiên cứu hệ thống phao nổi, hệ thống neo để lắp đặt điện mặt trời nổi trên mặt nước gồm: Vật liệu chế tạo phao nổi; các tiêu chuẩn, phương pháp kiểm tra độ bền cơ lý hoá, độ bền theo thời gian; phương án sản xuất, kết nối, lắp phao tại hiện trường; máy móc, thiết bị chế tạo, lắp đặt phao; tính toán, thiết kế hệ thống neo, các tiêu chuẩn áp dụng,… 

Hiện hệ thống này đã được ứng dụng tại Nhà máy Điện mặt trời nổi hồ Đa Mi. Nhà máy có tổng công suất thiết kế 47,5 MWp, sản lượng điện khoảng 70 triệu kWh/năm, lắp đặt 143.940 tấm pin năng lượng mặt trời trên diện tích 50 ha mặt hồ Thủy điện Đa Mi, thuộc địa bàn xã La Ngâu (huyện Tánh Linh) và các xã Đa Mi, La Dạ (huyện Hàm Thuận Bắc), tỉnh Bình Thuận. 

 

 


  • 19/11/2019 03:04
  • Bùi Long
  • 1950