Các sản phẩm nhựa dùng một lần sẽ bị cấm trên toàn EU - Ảnh: Nguồn Internet. |
Dự luật được các nghị sỹ châu Âu phê chuẩn ngày 24/10, nhắm tới các sản phẩm có trong danh mục gốc 10 sản phẩm nhựa dùng một lần do Ủy ban châu Âu (EC) lập ra; trong đó có ống hút, tăm bông hay que gài bóng bay.
Dự luật đặt mục tiêu tới năm 2025, các nước EU sẽ thu gom được tới 90% các chai lọ đựng đồ uống và các loại nhựa khác để tái chế.
Dự luật cũng kêu gọi tới năm 2025, các nước giảm ít nhất 25% các sản phẩm nhựa không thể tái chế; giảm 50% rác thải từ các sản phẩm thuốc lá, đặc biệt là các đầu lọc thuốc lá bằng nhựa và phấn đấu đến năm 2030, nâng tỷ lệ này lên mức 80%.
Dự luật cũng hối thúc các nước EU đảm bảo rằng ít nhất 50% ngư cụ đánh bắt cá chứa nhựa bị mất hoặc bị vứt bỏ sẽ được thu gom hàng năm.
Song song với đó, đặt mục tiêu đến năm 2025, tái chế ít nhất 15% ngư cụ đánh bắt cá - hiện chiếm 27% trong tổng số rác thải trên các bãi biển châu Âu.
Ngoài ra, đề xuất các doanh nghiệp sản xuất ngư cụ và thuốc lá sẽ chi trả chi phí thu gom rác từ các loại sản phẩm này.
Các nhà ủng hộ kỳ vọng dự luật sẽ bắt đầu có hiệu lực vào năm 2021, song chính sách này cần phải được thông qua trong các cuộc đàm phán giữa các thành viên EU, EP và Ủy ban châu Âu (EC) dự kiến diễn ra vào tháng 11 tới.
Dù vậy, Ủy viên phụ trách môi trường của EU Karmenu Vella nhấn mạnh với quyết định trên, EU đang tiến gần hơn tới việc xóa sổ các sản phẩm nhựa dùng một lần vốn là vấn đề nan giải nhất tại châu Âu.
Đánh giá tích cực về động thái mới nhất của EP, Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) nhấn mạnh quyết định trên đưa EU trở lại vai trò lãnh đạo toàn cầu trong nỗ lực giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa.
Tuy nhiên, quỹ này cho rằng EP cần làm rõ hơn định nghĩa về các loại nhựa dùng một lần, cũng như điều chỉnh việc cho phép các sản phẩm được dán nhãn "có thể tái sử dụng", bởi trên thực tế nhiều sản phẩm không đủ tiêu chuẩn vẫn được dán nhãn này.
EU đưa ra chính sách điều chỉnh sử dụng các sản phẩm nhựa sau quyết định của Trung Quốc cấm nhập khẩu các sản phẩm rác thải nước ngoài để tái chế và lượng rác thải từ nhựa hiện chiếm tới 70% rác thải trong các đại dương và trên các bãi biển.