EVN SPC đa dạng hóa hình thức tuyên truyền tiết kiệm điện

Sáng tạo, chủ động, cần mẫn là những yếu tố quan trọng góp phần để những giải pháp tiết kiệm điện (TKĐ) do Tổng công ty Điện lực miền Nam và các đơn vị trực thuộc triển khai thời gian qua thực sự đi vào cuộc sống, góp phần đẩy mạnh công tác sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả trong xã hội.

Bản nhạc tuyên truyền ở miền Đông

Ca khúc "Nguồn sáng" - Nhạc sĩ Huy Thục

Hình thức tuyên truyền tiết kiệm điện sáng tạo nhất có thể kể ra đây là cách làm của CBCNV Công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai (PC Đồng Nai). PC Đồng Nai đã chọn 3 ca khúc: “Nguồn sáng” của Nhạc sỹ Huy Thục (Mã số 6002912), “Vui việc lớn” của Nhạc sỹ An Thuyên (Mã số 6002913) và “Nơi ấy một ngày” của Nhạc sỹ Đỗ Bảo (Mã số 6002916) làm nhạc chờ điện thoại cố định và di động tại toàn bộ các đơn vị và nhân viên trong Công ty Điện lực Đồng Nai.

Những ca khúc này được tuyển lựa từ những tác phẩm xuất sắc nhất của Cuộc vận động sáng tác ca khúc Tiết kiệm năng lượng năm 2012 do Bộ Công Thương phối hợp với Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức.

Qua những bản nhạc chờ khuyến khích tiết kiệm năng lượng, mỗi CB-CNV của PC Đồng Nai đã trở thành một tuyên truyền viên tích cực và hiệu quả cho phong trào tiết kiệm năng lượng tại Đồng Nai.

Lan tỏa mô hình “ấp văn hóa tiết kiệm điện”

Trong các tháng mùa khô năm 2013, tại miền Tây, các công ty điện lực trực thuộc Tổng công ty Điện lực miền Nam đã phối hợp cùng các sở công thương, chính quyền, các tổ chức đoàn thể tại địa phương tích cực triển khai chương trình thi đua "Ấp văn hóa tiết kiệm điện" và "Gia đình tiết kiệm điện" từ Long An, Tiền Giang đến Kiên Giang, Cà Mau. Mỗi địa phương đều có cách làm riêng, sát thực tế, và được người dân hưởng ứng tích cực.

Chương trình thi đua "Ấp văn hóa tiết kiệm điện" và "Gia đình tiết kiệm điện" với những nội dung thiết thực đã đi vào cuộc sống hàng ngày của người dân Nam Bộ, góp phần hạn chế tình trạng mất, thiếu điện, được người dân rất đồng tình, ủng hộ, tham gia đông đảo và nhiệt tình.

Hiện tại, mô hình "Ấp văn hóa TKĐ" đã lan tỏa sâu rộng trong các vùng sông nước miền Tây. Người dân nơi đây đã biết cách sử dụng bóng compact tiết kiệm điện và bóng đèn T5 hoặc T8 thay cho bóng đèn sợi đốt, nấu cơm cách bữa ăn hơn 30 phút, thực hiện nguyên tắc "Ra tắt-Vào mở", rút phích cắm tivi khi không sử dụng, tủ lạnh được điều chỉnh ở mức hợp lý, chọn mua và sử dụng thiết bị điện có dán nhãn tiết kiệm năng lượng… Phong trào “Ấp văn hóa tiết kiệm điện đã trở thành nếp văn hóa đặc trưng của người dân miền Tây.

Bên cạnh đó, nhiều cách làm hay trong khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm cũng được các đơn vị trực thuộc EVN SPC triển khai như tuyên truyền để người dân: Hạn chế sử dụng điện trong giờ cao điểm, thực hiện Chương trình "Giờ Trái đất" vào mỗi tuần, khuyến khích chị em "Không sử dụng điện trong 1 giờ" để tiết kiệm điện và chi phí sinh hoạt trong gia đình, phát cẩm nang tuyên tuyền tiết kiệm điện cho các hộ đăng ký thi đua…

Bằng sự kiên trì, cần mẫn trong nhiều năm gần đây, hình ảnh những bóng áo cam không quản nắng mưa, đêm ngày len lỏi đến từng ngõ xóm, trường học, công sở, xí nghiệp… để thuyết phục, vận động người dân thực hiện các giải pháp tiết kiệm điện đã trở nên gần gũi, thân quen.

Do triển khai đồng bộ và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, nên trong năm 2013 vừa qua, toàn tổng công ty đã thực hiện tiết kiệm được 995 triệu kWh điện, tương đương 2,48% sản lượng điện thương phẩm (kế hoạch EVN giao là 799 triệu kWh).

Năm 2014, EVN SPC phấn đấu chỉ tiêu tiết kiệm được 882 triệu kWh, tương đương 2% sản lượng điện thương phẩm. Tiết kiệm điện giờ đây đã trở thành hành động tự giác của nhiều người dân và các doanh nghiệp các tỉnh thành Nam Bộ. 


  • 04/04/2014 10:30
  • Theo TCĐL chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 1920


Gửi nhận xét