Ông Nguyễn Phước Đức - Phó Tổng giám đốc EVNSPC cho biết, triển khai từ tháng 7/2014, tính đến tháng 11/2016, Chương trình “Hỗ trợ nông dân trồng thanh long thay thế đèn sợi đốt bằng đèn tiết kiệm điện”, đã hỗ trợ đổi hơn 2 triệu đèn sợi đốt bằng đèn compact tiết kiệm điện cho các hộ dân trồng thanh long trên địa bàn 3 tỉnh Bình Thuận, Tiền Giang và Long An.
Sử dụng bóng đèn compact tiết kiệm điện chong thanh long ra hoa trái vụ thu nhiều lợi ích - Ảnh: Thành Trung.
|
Chương trình “Hỗ trợ nông dân trồng thanh long thay thế đèn sợi đốt bằng đèn tiết kiệm điện”:
- Đổi 2.009.922 đèn compact chong thanh long, trong đó:
+ Tỉnh Bình Thuận: 1.620.223 đèn;
+ Tỉnh Long An: 132.209 đèn;
+ Tỉnh Tiền Giang: 257.490 đèn.
|
Cũng theo ông Đức, Chương trình đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực, góp phần giúp người dân nhận thức rõ những lợi ích của đèn compact tiết kiệm điện. Từ đó, từng bước thay đổi thói quen sử dụng đèn sợi đốt chong thanh long, tiến tới giảm dần và từng bước xóa bỏ đèn sợi đốt.
Hiện nay, tốc độ người dân sử dụng đèn compact thay thế đèn sợi đốt để chong thanh long ở các tỉnh Bình Thuận, Tiền Giang và Long An đã tăng rất nhanh. Cụ thể, trước khi triển khai Chương trình, tổng số đèn chong thanh long trên địa bàn 3 tỉnh có 9,2 triệu đèn, trong đó đèn sợi đốt là 6 triệu chiếc, chiếm tới 65%. Đến nay, tổng số đèn đã tăng lên 22,5 triệu đèn, trong đó, đèn sợi đốt giảm xuống còn 20%, còn đèn compact chiếm tới 80%, với 18 triệu đèn, tăng gần 15 triệu đèn so với trước đó.
Điều đáng chú ý, số đèn được đổi từ Chương trình chỉ có hơn 2 triệu đèn, còn hơn 15 triệu đèn là do các hộ nông dân tự đầu tư sau khi thấy được hiệu quả rõ rệt từ việc sử dụng đèn tiết kiệm điện để chong thanh long.
Để có được thành quả này, gần 3 năm qua, công nhân điện lực đã thường xuyên xuống từng hộ gia đình trồng thanh long để vận động, tuyên truyền về lợi ích của việc sử dụng bóng đèn compact tiết kiệm điện; đồng thời giúp người dân đấu nối an toàn, thu hồi bóng đèn sợi đốt khi đổi đèn compact...
Bên cạnh đó, Chương trình còn góp phần nâng cao nhận thức trong cộng đồng về lợi ích tiết kiệm năng lượng, khuyến khích người dân sử dụng thiết bị điện hiệu suất cao trong sản xuất, tiêu dùng, giảm chi phí trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm.
Không chỉ mang lại nhiều lợi ích cho người nông dân, việc thay đèn sợi đốt bằng đèn compact để chong thanh long cũng góp phần giúp ngành Điện giảm áp lực đầu tư các dự án nguồn và lưới điện.
Ông Nguyễn Phước Đức cho biết, để đáp ứng điện cho chong đèn thanh long, thời gian qua EVNSPC đã xây dựng thêm nhiều đường dây và trạm 110 kV, mở rộng tăng cường lưới 22 kV và nâng công suất các trạm biến áp phân phối, nhưng vẫn không đáp ứng đủ theo nhu cầu và thường xuyên bị quá tải vào mùa chong đèn. Do đó, việc các hộ dân đầu tư chong thanh long bằng đèn tiết kiệm điện đã góp phần cắt giảm công suất đỉnh, giãn tiến độ và áp lực đầu tư các công trình điện nói chung; giảm khí thải ra môi trường, chống quá tải cục bộ nguồn và lưới điện khu vực cấp điện cho trồng cây thanh long nói riêng.
Ông Nguyễn Văn Mạnh (huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang): “Gia đình tôi có hơn 10.000 m2 trồng thanh long. Trước đây, gia đình sử dụng bóng đèn sợi đốt để chong cho thanh long ra hoa trái vụ. Tuy nhiên, gần hai năm nay, tôi đã đổi sang đèn compact, trong đó có 500 đèn được ngành Điện hỗ trợ. Kết quả cho thấy, tuy giá thành đầu tư ban đầu của đèn compact cao hơn, nhưng công suất tiêu thụ điện năng chỉ bằng 1/3 so với bóng đèn sợi đốt và vẫn đảm bảo năng suất cho cây trồng”.
|