Không phát triển điện than
Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2020, chủ đề "thách thức và cơ hội trong trạng thái bình thường mới", ông Bùi Quốc Hùng - Phó cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) đã chia sẻ quan điểm về phát triển các nhà máy điện than và năng lượng tái tạo trong thời gian tới, đảm bảo cung ứng điện cho phát triển kinh tế - xã hội và sinh hoạt của người dân.
Theo ông Hùng, do Việt Nam đang là nước đang phát triển, cho nên việc đảm bảo nhu cầu cung điện cho phụ tải rất lớn, nếu không phát triển điện than thì khó đáp ứng được nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội.
Trong tổng sơ đồ điện VII, vẫn phải đặt vấn đề tiếp tục sử dụng các nhà máy điện than. Tuy nhiên, khi xây dựng Tổng sơ đồ điện VIII sẽ không đặt vấn đề phát triển các nhà máy điện than nữa mà chỉ duy trì các nhà máy điện than hiện nay; còn mục tiêu hướng đến là phát triển năng lượng tái tạo.
Ảnh minh họa. |
"Chúng ta sẽ phát triển có hiệu quả nguồn năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) mà Việt Nam rất có tiềm năng. Đồng thời, hạn chế phát triển các nhà máy nhiệt điện than vốn được đưa rất nhiều vào quy hoạch điện VII. Như vậy rõ ràng sẽ phải phát triển mạnh mẽ hơn nữa các dự án năng lượng tái tạo cũng như các dạng năng lượng truyền thống khác có ít ảnh hưởng, tác động tới môi trường", ông Hùng nói.
Không có giá fit điện mặt trời sau năm 2020
Ông Hùng cho biết, theo sơ đồ điện VII, kế hoạch đến năm 2020 sẽ có 850MW điện mặt trời. Tuy nhiên, sau khi có Quyết định số 11 và Quyết định số 13 của Chính phủ về cơ chế phát triển điện mặt trời, đến hết năm 2020, chúng ta có hơn 10.000MW điện mặt trời, tức là gấp hơn 10 lần quy hoạch phát triển sơ đồ VII. Tính chung tổng quy hoạch điện gió và điện mặt trời là 40.000MW, tỉ lệ này là rất lớn.
"Không phải muốn bao nhiêu điện mặt trời cũng được mà phải phù hợp với tỷ lệ cho phép. Theo tính toán của chúng tôi, để đảm bảo vận hành cung cấp điện, chúng ta chỉ có thể bổ sung được khoảng 4.500MW điện mặt trời và 7.700MW điện gió", ông Hùng nói.
Còn về điều chỉnh giá fit cho điện gió, Phó cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết, Bộ Công Thương đang trình Chính phủ và lấy ý kiến các Bộ, ngành về việc kéo dài giá fit cho điện gió, giá điều chỉnh có thể sẽ giảm xuống cho phù hợp với thực tế. Đặc biệt, sau năm 2020, Việt Nam sẽ áp dụng cơ chế đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, đảm bảo tính khách quan minh bạch.
"Thời điểm này, Bộ Công Thương đang trình Chính phủ cho cơ chế áp dụng thí điểm đối với các dự án điện mặt trời sau năm 2020", ông Hùng nói, đồng thời khẳng định: "sẽ không có giá fit cho điện mặt trời sau năm 2020".
Theo Bộ Công Thương, để giảm nguy cơ thiếu điện trong giai đoạn 2021-2025, một trong những giải pháp được đề xuất là đẩy mạnh phát triển nguồn điện năng lượng tái tạo, nhất là nguồn điện mặt trời do có thể thực hiện nhanh, đáp ứng tiến độ vận hành ngay từ năm 2021.
Tổng công suất nguồn điện mặt trời dự kiến phát triển giai đoạn đến năm 2025 là 14.450 MW và đến năm 2030 là 20.050 MW.
|
Link gốc