Giúp người nghèo sử dụng năng lượng tái tạo

Gần 2.300 hộ gia đình chưa có điện lưới ở huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang sẽ được cung cấp thông tin về lợi ích và chi phí của các giải pháp năng lượng bền vững; ít nhất 05 công nghệ năng lượng bền vững được áp dụng tại 3 xã đem lợi ích trực tiếp cho hàng trăm hộ gia đình chưa có điện lưới và 3 trường học tại huyện Tịnh Biên…

Đây là những mục tiêu chính của dự án “Tăng cường tiếp cận năng lượng cho người nghèo ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam thông qua ứng dụng các giải pháp năng lượng xanh và bền vững” (Dự án Năng lượng xanh An Giang) do Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) thực hiện.

Theo đại diện của GreenID, các hoạt động chính thực hiện trong dự án này gồm: Khảo sát, nghiên cứu đề xuất các giải pháp năng lượng tái tạo phù hợp với cộng đồng; nâng cao năng lực cho thành viên nhóm năng lượng địa phương; lập kế hoạch năng lượng cấp xã; truyền thông nâng cao nhận thức cho cộng đồng và học sinh; xây dựng mô hình trường học xanh; triển lãm, trình diễn các mô hình; hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cho các hộ gia đình, trường học, cơ sở công nhằm ứng dụng các giải pháp năng lượng bền vững; khuyến nghị về giải pháp đẩy mạnh và nhân rộng các giải pháp năng lượng bền vững trong việc thực hiện điện khí hóa nông thôn; truyền thông lan tỏa những bài học thành công của dự án và địa phương ở cấp quốc gia, quốc tế…

Cho đến thời điểm hiện nay, Dự án Năng lượng xanh An Giang đã xác định được các giải pháp năng lượng tái tạo phù hợp với cộng đồng: Các mô hình pin năng lượng mặt trời, đèn xách tay năng lượng mặt trời, đèn LED, biogas và bếp đun cải tiến đã được xác định là phù hợp với hoàn cảnh, nhu cầu của hộ gia đình tại địa phương.

Từ việc xác định được mô hình phù hợp với nhu cầu của người dân, dự án đã thực hiện truyền thông nâng cao nhận thức cho cộng đồng và học sinh. Tổng số 12 cuộc truyền thông cộng đồng đã được thực hiện trên quy mô trường học, cấp xã và ấp của 03 xã dự án An Hảo, Vĩnh Trung, Tân Lợi. Các cuộc truyền thông này đã cung cấp cho học sinh và người dân sự hiểu biết về các mô hình năng lượng tái tạo phù hợp với hoàn cảnh hộ gia đình tại Tịnh Biên, đặc biệt hữu ích với hoàn cảnh của hộ gia đình chưa có điện lưới. Từ đó người dân có được sự hiểu biết về cách khắc phục tình trạng thiếu điện cũng như sử dụng không hiệu quả năng lượng trong sinh hoạt, sản xuất của gia đình.

Sau khi người dân đã được truyền thông về lợi ích của các mô hình năng lượng tái tạo hiệu quả và dễ áp dụng, dự án đã thực hiện nâng cao năng lực cho thành viên nhóm năng lượng địa phương thông qua các khóa đạo tạo về kỹ năng truyền thông, kỹ thuật lắp đặt và sử dụng đúng cách các mô hình năng lượng hiệu quả nói trên, nhằm mục đích chuẩn bị cho việc đáp ứng tại chỗ cho những nhu cầu của người dân. Tổng số đã có 04 khóa đào tạo được thực hiện trong năm 2017. Khi có nhu cầu, người dân đăng ký với nhóm quản lý tại từng xã, sau đó các thành viên cộng đồng đã được đào tạo về kỹ thuật đã tiến hành tư vấn và lắp đặt tại nhà cho hộ gia đình.

“Dự án đã hỗ trợ đèn xách tay năng lượng mặt trời cho 150 hộ, hệ thống pin năng lượng mặt trời cho 98 hộ, mô hình đèn LED trong sinh hoạt cho 154 hộ. Hình thức hỗ trợ mô hình hệ thống pin năng lượng mặt trời trị giá 4,2 triệu đồng là đối với đối tượng hộ nghèo và cận nghèo sẽ được hỗ trợ 35% trị giá thiết bị và công lắp đặt, những hộ còn lại hỗ trợ trả dần trong vòng 10 tháng”, đại diện GreenID cho hay.

Dự án Năng lượng xanh An Giang được thực hiện trong vòng 3 năm với mong muốn tất cả 2.288 hộ gia đình chưa có điện lưới ở huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang được cung cấp thông tin về lợi ích và chi phí của các giải pháp năng lượng bền vững vào cuối năm 2018. Ít nhất 5 công nghệ năng lượng bền vững (ví dụ mô hình pin năng lượng mặt trời, mô hình đèn xách tay năng lượng mặt trời, mô hình đèn LED, biogas và bếp đun cải tiến) được áp dụng tại 3 xã đem lợi ích trực tiếp cho hàng trăm hộ gia đình chưa có điện lưới và 3 trường học tại huyện Tịnh Biên.


  • 27/12/2017 11:23
  • Nguồn: nangluongsachvietnam.vn
  • 1978