Tại Hội thảo, các đại biểu đã trình bày nhiều tham luận về mô hình tái chế và tái sử dụng vật dụng. Trong đó, các đại biểu đã đánh giá cao mô hình “Tiết kiệm đồ tái chế trồng cây xanh” của Liên hiệp phụ nữ quận Cầu Giấy, cho rằng đây là mô hình mang lại hiệu quả.
Gian trưng bày sản phẩm tái chế của Hội LHPN quận Hai Bà Trưng.
|
Mô hình này đã được triển khai tới 100% cơ sở Hội. Kết quả thu được sau triển khai mô hình, đến nay tổng số tiền các đơn vị thu lại từ việc bán phế liệu (nhựa, kim loại, nilon, giấy,…) để đóng góp xây dựng quỹ hội của các chi hội hơn 185 triệu đồng.
Mô hình ủ phân hữu cơ từ rác thải sinh hoạt hàng ngày của hội Phụ nữ Quốc Oai cũng được khẳng định mang lại hiệu quả cao. Theo đó, quy trình xử lý rác theo mô hình rất đơn giản, hàng ngày, các loại rác thải sinh hoạt trong gia đình được thu gom và phân loại, rác hữu cơ như vỏ rau củ, cơm thừa… sẽ cho vào hố rác đào sẵn với kích thước dài, rộng khoảng 70 cm, sâu 1m. Cứ một lớp dày 30 cm thì rắc 1 lượt chế phẩm vi sinh. Sau khoảng 30 ngày, rác phân huỷ thành phân hữu cơ thì lấp đất lên và có thể trồng cây trực tiếp trên đó. Còn các loại rác vô cơ như túi nilon, nhựa… sẽ được gom để bán phế liệu và các chị lấy tiền đó tham gia tiết kiệm tại tổ.
Được biết, những năm qua Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã đẩy mạnh phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tổ chức các chương trình “Ngày Chủ nhật không túi nilon“, “Đoạn đường phụ nữ tự quản”; tuyên truyền vận động nhân dân kí cam kết và thực hiện đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định; duy trì nề nếp tổng vệ sinh sáng thứ 7 hàng tuần và các ngày lễ lớn, bảo vệ nguồn nước và hạn chế sử dụng túi nilon; xây dựng và áp dụng mô hình “Trồng rau an toàn”, “phân loại rác tại nguồn”...
Những chương trình này đã góp phần quan trọng bảo vệ môi trường, tạo sức lan tỏa cho cả cộng đồng.