Sẽ có nhiều trạm quan trắc không khí được lắp đặt trên địa bàn thành phố Hà Nội trong thời gian tới - Ảnh: Thành Trung. |
Theo bà Lê Thanh Thủy, cùng với trạm quan trắc của Đại sứ quán Mỹ, của Tổng cục Môi trường, Hà Nội mới đây đã lắp thêm 10 trạm quan trắc không khí. Trong đó 2 trạm cố định và 8 trạm cảm biến. Số liệu không khí hàng ngày đã được cung cấp trên website của UBND Thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, số lượng trạm quan trắc của Hà Nội còn ít, chưa đảm bảo tính đại diện và phản ánh đầy đủ hiện trạng ô nhiễm không khí của thành phố.
Thời gian tới, Hà Nội sẽ lắp thêm 70 trạm quan trắc không khí. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện đang chậm do nguồn vốn cần huy động là rất lớn. Bên cạnh đó, Hà Nội thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp khác như khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng, trồng thêm cây xanh.
Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đang xây dựng lộ trình tiến tới không sử dụng bếp than tổ ong trên địa bàn Hà Nội. Mục tiêu đặt ra trong năm 2018 là tuyên truyền, đến 2019 sẽ hạn chế tất cả các cơ sở kinh doanh sử dụng bếp than tổ ong, đến năm 2020, toàn bộ cơ sở kinh doanh, hộ gia đình sẽ không dùng bếp than tổ ong. Ngoài ra, các cơ sở sản xuất, kinh doanh than tổ ong cũng phải ngừng hoạt động trên địa bàn Hà Nội.
Chiến dịch cánh đồng không đốt rơm rạ cũng đang được xây dựng với lộ trình đến 2020, Hà Nội không còn đốt rơm rạ. Hoạt động đốt rơm rạ gây ra lượng lớn bụi PM2.5 trong khi đốt than tổ ong được coi là thủ phạm gây ô nhiễm không khí trong nhà (theo số liệu mới nhất của WHO, ô nhiễm không khí trong nhà khiến 3,5 triệu người tử vong mỗi năm).
Bên cạnh đó, Dự án Không khí sạch - thành phố xanh của nhóm 4 tổ chức phi Chính phủ đang được thực hiện, trong đó tiến hành hàng loạt giải pháp như nâng cao năng lực nhận thức về ô nhiễm không khí và sức khỏe môi trường, hỗ trợ các sáng kiến và giải pháp của thanh thiếu niên, trường học và cộng đồng gồm các giải pháp xử lý rác thải, giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và bền vững. Dự án sẽ kéo dài đến năm 2020.