Hệ thống WEC2P tạo ra cả nước ngọt và điện 

Theo trang tin công nghệ Mỹ Newatlas, các nhà khoa học tại Đại học Công nghệ King Abdullah (KAUST), Saudi Arabia, vừa phát triển hệ thống có thể sản xuất cả điện –nước cùng một lúc, bằng cách kết hợp các tấm pin mặt trời với lớp hydrogel hấp thụ, có tên WEC2P.

Mô hình hệ thống WEC2P dùng trên sa mạc. Ảnh: Newatlas

WEC2P gồm hai phần chính là tấm quang điện mặt trời (PV) và vật liệu hydrogel. PV sản xuất điện từ ánh nắng mặt trời còn hydrogel thì hấp thụ hơi ẩm trong không khí để tạo nước. Hydrogel do KAUST phát minh thực chất là polyme hấp thụ nước, vật liệu hóa học thế hệ mới, hay còn gọi là chất hấp thụ, giữ nước.

WEC2P gồm một chuỗi tấm quang điện nối xen kẽ là lớp hydrogel. Tấm quang điện và hydrogel cùng tạo ra nắp che của hộp kim loại có mặt dốc, dưới đáy là một vòi nước. Khi đêm về, hộp mở, cho phép hydrogel hút ẩm từ không khí. Ban ngày, hộp đóng, PV sản xuất điện khi ánh nắng chiếu vào. Ánh nắng khiến cả tấm quang điện lẫn lớp hydrogel bên dưới nóng lên.

Kết quả, nước được hấp thụ trước đó bốc hơi lên từ lớp hydrogel và ngưng tụ ở mặt sau tấm quang điện. Khi nước lỏng chảy khỏi PV, nó mang theo nhiệt dư thừa và đem lại hiệu ứng làm mát, giúp PV hoạt động hiệu quả hơn tới 9%. Sau đó, nước chảy xuống đáy hộp kim loại và đi ra vòi. Từ đây, người dùng có thể gom nước dùng cho tưới tiêu hoặc sinh hoạt.

WEC2P tạo ra tổng cộng 1.519 Wh điện cùng khoảng 2 lít nước. Ảnh: Newatlas

Qua thử nghiệm WEC2P tại sa mạc Saudi Arabia trong khoảng hai tuần hồi tháng 6 năm ngoái, WEC2P có kích thước bằng một chiếc bàn đã tạo ra 1.519Wh điện cùng 2 lít nước.

Khi có điện và nước, KAUST đã trồng thành công rau bina (cải bó xôi) trên sa mạc vào giữa mùa hè khi nhiệt độ ban ngày lên tới 55 độ C, 57 trong số 60 hạt giống rau bina đã phát triển cao đến gần 20cm.

Các nhà khoa học hiện đang tiếp tục nghiên cứu, cải tiến chất lượng hydrogel để hấp thụ nhiều nước hơn từ không khí. 


  • 21/04/2022 03:08
  • K. Nam (Theo NSO/NAC-3/2022)
  • 894