Hệ thống chiếu sáng thông minh: Vừa tiết kiệm vừa tiện dụng

Là một người đam mê công nghệ, anh Phạm Văn Chính ở khu chung cư GreenPark Tower, Hà Nội quyết định lắp đặt thiết bị thông minh cho căn hộ của gia đình. Với anh Chính, việc đầu tư thiết bị nhà thông minh cũng như hệ thống chiếu sáng thông minh ngay từ khi mua nhà chính là cách để gia đình anh tiết kiệm năng lượng trong suốt quá trình sử dụng ngôi nhà.

Căn nhà thông minh

Toàn bộ hệ thống căn hộ của anh Chính được lắp thiết bị hiện đại, thông minh. Các sản phẩm công nghệ như máy tính bảng, điện thoại thông minh đã trở lên vô cùng hữu dụng. Hệ thống này giúp anh điều khiển tất cả các thiết bị đèn, nhiệt độ, ánh sáng, môi trường và an ninh trong toàn bộ căn hộ. Hệ thống được tích hợp tính năng quản lý tiết kiệm năng lượng, nhờ đó mà việc sử dụng điện, nước, gas được hiển thị tức thời giúp anh Chính biết được tình hình sử dụng năng lượng hiện tại.

Các sự cố như rò điện, rò gas, rò nước hoặc các hành vi sử dụng năng lượng vượt mức cho phép cũng sẽ được cảnh báo kịp thời bằng cách gửi ra các thông điệp trên máy tính hoặc điện thoại giúp các thành viên trong gia đình kịp thời thay đổi các hành vi sử dụng năng lượng.

 Căn hộ trang bị đầy đủ thiết bị thông minh của gia đình anh Chính. Ảnh: Lê Minh

Bật tắt đèn cũng thông minh

Thiết bị bật tắt đèn thông minh đã giúp gia đình anh Chính giải quyết bài toán lãng phí điện năng. Anh Chính chia sẻ: Khi còn ở căn nhà cũ, nhiều khi không có nhu cầu sử dụng đèn vào buổi tối nhưng ngại đi lại nên nhiều thành viên gia đình không ra tắt đèn. Tuy nhiên, với thiết bị bật tắt đèn thông minh của hệ thống nhà thông minh này, câu chuyện tiết kiệm điện của gia đình đã tốt hơn nhiều.

Bằng việc sử dụng thiết bị bật tắt đèn thông minh, hệ thống đèn trong gia đình anh Chính sẽ tự động bật khi phát hiện có người đi vào vùng cảm ứng và tắt khi không có người. Anh Chính sử dụng thiết kế để có thể kết nối tạo thành một hệ thống điều khiển đồng thời nhiều thiết bị, hoạt động theo các kịch bản tiết kiệm năng lượng đèn sẽ tắt sau 2 phút không có người ở vùng đặt máy.

Các thiết bị điện tử trong gia đình có thể được điều khiển qua máy tính bảng. Ảnh: Vương Thủy

Gia đình anh Chính rất thích nuôi cá. Đây chính là nơi tạo không gian sống xanh và thư thái cho các thành viên trong gia đình. Tuy nhiên, vấn đề đèn chiếu sáng cho bể cá khi còn ở nhà cũ cũng là một điều phiền phức. Anh Chính sẽ phải ra cắm điện khi muốn ngắm bể cá và rút điện nếu không có nhu cầu. Và những khi ngại rút dây cắm, bể cá chính là nơi tiêu tốn một lượng điện năng không nhỏ của gia đình.

Bể cá cảnh giờ đã không gây lẵng phí điện với thiết bị bật tắt thông minh mà anh Chính lắp đặt. Ảnh: Vương Thủy

Để có được lượng ánh sáng phù hợp, anh Chính lắp một thiết bị điện thông minh để bật tắt đèn bể cá theo nhu cầu sử dụng. Bình thường, khi các thành viên trong gia đình đi ra khỏi nhà, đèn bể cá sẽ tự tắt. Khi trở về, đèn sẽ tự bật. Ngoài ra, anh Chính còn có thể điều khiển bật tắt, chỉnh độ sáng của bể cá thông qua chiếc smartphone của mình.

Theo anh Chính: Một trong những yếu tố tạo nên màu xanh của bể cá chính là sự hài hòa về ánh sáng trong bể cá. Lượng ánh sáng nhiều quá sẽ gây ra rêu mà ít quá sẽ không tạo được màu xanh đẹp mắt.Nhờ hệ thống bật tắt đèn này bể cá xanh mát này đã chính là không gian thư thái thực sự cho các thành viên trong gia đình sau những ngày làm việc bận rộn. Đồng thời, gia đình cũng đã tiết kiệm được không ít tiền điện nhờ hệ thống.

Trước đây, mỗi tháng gia đình anh Chính thường mất khoảng 1.500.000 đồng tiền điện nhưng sau khi lắp đặt hệ thống chiếu sáng thông minh, tiền điện nhà anh Chính đã giảm gần 400.000 đồng tiền điện mỗi tháng. Hệ thống chiếu sáng thông minh không những đã đem lại sự tiện lợi mà còn góp một phần không nhỏ cho khoản tiền điện hàng tháng của gia đình anh Chính.

 

 

 


  • 12/02/2015 10:27
  • Lê Minh
  • 7382