Hòa Phát ứng dụng công nghệ xanh, tiết kiệm năng lượng để sản xuất thép

Việc áp dụng các công nghệ giúp tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường luôn là ưu tiên số 1 của Hòa Phát. Trong nhiều năm qua, tập đoàn đã đầu tư nhiều giải pháp công nghệ “xanh” để cho ra đời những sản phẩm thép “sạch”.

Hòa Phát là tập đoàn sản xuất công nghiệp hàng đầu của nước ta. Sản xuất thép là lĩnh vực cốt lõi chiếm tỷ trọng trên 80% doanh thu và lợi nhuận toàn tập đoàn. Các sản phẩm chính trong chuỗi sản xuất thép của Hòa Phát bao gồm thép xây dựng, thép cuộn cán nóng (HRC), thép dự ứng lực, thép rút dây, ống thép và tôn mạ màu các loại. Với công suất lên đến trên 8 triệu tấn thép các loại, Tập đoàn Hòa Phát là doanh nghiệp sản xuất thép xây dựng và ống thép lớn nhất Việt Nam với thị phần tương ứng là 32,5% và 31,7%.

Trong quá trình sản xuất thép, Tập đoàn Hòa Phát phải sử dụng một lượng lớn điện, nước, than... Do đó, việc áp dụng các công nghệ giúp tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường luôn là ưu tiên số 1 của tập đoàn này. Trong nhiều năm qua, tập đoàn đã đầu tư nhiều giải pháp công nghệ “xanh” để cho ra đời những sản phẩm thép “sạch”.

Tiêu biểu là công nghệ thu hồi nhiệt, khí thải để phát điện, tái sử dụng được Hòa Phát áp dụng đã cho thấy hiệu quả rõ rệt. Cụ thể, tại Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Hải Dương của tập đoàn đã áp dụng công nghệ sản xuất than coke sạch thu hồi nhiệt – một công nghệ sản xuất thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng. Theo đó, công nghệ này triệt tiêu toàn bộ khí, khói và các chất hóa học độc hại sinh ra từ quá trình luyện than cốc, chỉ thu hồi lại nhiệt năng để chạy máy phát điện.

Với công nghệ luyện than coke sạch, thu hồi nhiệt, Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Hải Dương hiện có công suất phát điện 64MW, sản lượng điện phát năm 2020 đạt 478 triệu kWh, tương ứng tự chủ khoảng 70% lượng điện sản xuất, đồng nghĩa với việc tiết kiệm được trên 800 tỷ đồng.

Công nghệ trên cũng được áp dụng tại Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất. Hiện công suất phát điện ở Hòa Phát Dung Quất là 240MW. Năm 2020, khu liên hợp này sử dụng gần 1,6 tỷ kWh điện, trong đó 1,2 tỷ kWh do công ty tự sản xuất được, tỷ lệ điện tự chủ sản xuất đạt gần 80%. Tính một cách tương đối, chi phí tiết kiệm được nhờ giải pháp thu hồi nhiệt, khí thải ở các khu liên hợp thép của Hòa Phát từ năm 2021 trở đi nằm trong khoảng 4.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Hòa Phát luôn cố gắng tối ưu hóa công nghệ để tạo ra những sản phẩm “xanh”, góp phần bảo vệ môi trường. Đầu năm 2018, tập đoàn này đã cải tạo hệ thống tạo xỉ hạt bằng nước lạnh áp lực cao và đầu tư thêm 01 dây chuyền nghiền xỉ hạt lò cao tại Khu liên hợp sản xuất gang thép Hải Dương.

Đây là dây chuyền công nghệ nghiền đứng, đồng bộ vào loại hiện đại nhất hiện nay, công suất 115 tấn/h, tương đương 750.000 tấn/năm. Công nghệ này giúp biến chất thải phát sinh trong quá trình luyện gang thành xỉ hạt lò cao nghiền mịn S95 – một sản phẩm vật liệu xây dựng có giá trị kinh tế cao. Việc tối ưu hóa công nghệ sản xuất không những giúp Hòa Phát giải quyết căn bản tận gốc vấn đề chất thải rắn mà còn mang lại nguồn doanh thu ổn định thêm hàng trăm tỷ đồng mỗi năm nhờ phụ gia này.

Quá trình sản xuất thép cũng phát sinh một lượng lớn bụi. Nhằm bảo vệ môi trường cũng như đảm bảo sức khỏe an toàn cho người lao động, Hòa Phát cũng áp dụng nhiều biện pháp để xử lý lượng bụi này như lọc bụi tĩnh điện, lọc bụi túi vải, lọc bụi ướt. Cùng với đó, tập đoàn này còn xây dựng hệ thống tường bao, trồng cây xanh để chống phát tán bụi, tiêu âm. Đặc biệt, lượng bụi chứa sắt thu hồi được trong quá trình luyện gang thép, vảy cán thép đều được tái sử dụng ở các công đoạn sản xuất, vừa tiết kiệm chi phí, vừa cải thiện môi trường làm việc.

Link gốc


  • 20/09/2021 03:59
  • Nguồn: https://tietkiemnangluong.com.vn/
  • 1345