Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm, bài học về đấu thầu các dự án điện mặt trời của Nam Phi"

Hội thảo do Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức ngày 28/11 tại Hà Nội.

Nhiều dự án năng lượng tái tạo của Nam Phi đã được triển khai và vận hành thương mại theo hình thức đấu giá  - Nguồn ảnh: Intrenet.

Tại hội thảo, Giáo sư Anton Eberhard đến từ Đại học Cape Town (Nam Phi) đã có những giới thiệu tổng quan về thị trường điện của Nam Phi cũng như chia sẻ những kinh nghiệm đấu thầu các dự án điện mặt trời của Nam Phi từ những thiết kế ban đầu cho đến thực hiện và kết quả.

Theo Giáo sư Anton Eberhard, năm 2009, cơ quan quản lý năng lượng của Nam Phi đã công bố biểu giá cố định năng lượng tái tạo, tuy nhiên không có dự án nào được ký kết. Nguyên nhân là do các công ty từ phát điện đến truyền tải, công ty phân phối điện đều trì hoãn việc hoàn thành các hợp đồng chủ chốt.

Với những nguyên nhân trên, năm 2011, Sở Năng lượng Nam Phi đã quyết định thay đổi hình thức chuyển sang đấu giá năng lượng tái tạo chứ không làm theo hình thức công bố biểu giá cố định năng lượng tái tạo như trước kia. Hình thức này đã nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư tư nhân và họ sẵn sàng đấu thầu.

Tính từ năm 2011, đã có 64 dự án điện gió và điện mặt trời với tổng công suất gần 4.000 MW từ đấu thầu đã được hoàn thành và đưa vào vận hành thương mại hoặc đang trong quá trình xây dựng.

Ông Anton Eberhard cho rằng: “Điểm thuận lợi của việc triển khai hình thức đấu giá năng lượng tái tạo là việc triển khai dự án rất nhanh, từ thời điểm trao thầu đến thời điểm vận hành thương mại của dự án trung bình chỉ mất khoảng 18 tháng. Một điều đáng ghi nhận của các dự án này là đóng góp cho cộng đồng địa phương, tạo việc làm cũng như nhiều lợi ích khác".

Ông Phương Hoàng Kim, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết, thời gian tới Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ như WB, Ngân hàng Châu Á (ADB), Tổ chức hợp tác phát triển Đức (GIZ)…tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các cơ chế khuyến khích các dự án năng lượng tái tạo như: Cơ chế đấu thầu các dự án năng lượng tái tạo, cơ chế mua bán điện trực tiếp, cơ chế hạn mức năng lượng tái tạo…

Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cũng hy vọng qua hội thảo, các kinh nghiệm quý báu trong việc xây dựng, thực hiện cơ chế đấu thầu các dự án năng lượng tái tạo thành công ở Nam Phi; sự tích cực tham gia thảo luận, trao đổi của các chuyên gia cũng như ý kiến từ phía các chủ đầu tư tư nhân sẽ giúp Bộ Công Thương cùng với WB xây dựng thành công cơ chế đấu thầu các dự án năng lượng trong thời gian tới và giúp lĩnh vực năng lượng tái tạo phát triển để đạt được các mục tiêu mà Chính phủ đặt ra.

Cũng tại hội thảo, nhiều thảo luận như lựa chọn địa điểm, mặt bằng cũng như phương thức đấu nối lưới điện… cho các dự án điện năng lượng tái tạo được các chuyên gia đưa ra trao đổi với Giáo sư Anton Eberhard nhằm học hỏi những kinh nghiệm từ các dự án năng lượng tái tạo mà Nam Phi đã thực hiện triển khai.


  • 28/11/2017 04:31
  • Ngọc Tuấn
  • 2114