Quang cảnh hội thảo
|
Tại Hội thảo, chuyên gia tư vấn đã trình bày chi tiết về các đề xuất và kết quả triển khai thí điểm tại Đà Nẵng. Trên cơ sở đó, Cục Điều tiết Điện lực sẽ tham mưu cho Bộ Công Thương để tư vấn cho Chính phủ đưa ra những chính sách hướng dẫn cụ thể.
Trong những năm qua, Chính phủ Việt Nam và các bộ, ngành đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách và văn bản hướng dẫn nhằm khuyến khích, thúc đẩy các dự án năng lượng mặt trời ở Việt Nam. Gần đây nhất, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11/4/2017 về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam; Bộ Công Thương ban hành Thông tư 16/2017/TT-BCT ngày 12/9/2017 về Quy định phát triển dự án và Hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án điện mặt trời. Đây là bước đi cụ thể để hướng dẫn các đơn vị triển khai những dự án điện mặt trời, đặc biệt là điện mặt trời lắp mái, đã và đang được nhiều nhà đầu tư, người dân quan tâm nhiều trong thời gian vừa qua.
Các chuyên gia quốc tế đã tư vấn về các bước để khuyến khích phát triển điện mặt trời trên mái nhà. Quá trình tư vấn này cũng bao gồm việc rà soát lại các cơ chế pháp luật để triển khai chính sách bù trừ điện năng, các hợp đồng mua bán điện mẫu và đánh giá về hạn chế của việc đấu nối vào lưới điện trong các khu vực riêng biệt, cũng như những vấn đề liên quan đến yêu cầu tiêu chuẩn kỹ thuật cho việc nối lưới của điện mặt trời trên mái nhà theo thông tư 39 /2015/TT-BCT ngày 18/11/2015 về Quy định hệ thống điện phân phối.
Theo các chuyên gia, các dự án điện mặt trời trên mái nhà có thể được kết nối lưới mà không ảnh hưởng đến khả năng vận hành của lưới điện, cụ thể là thông số điện áp, tần số của lưới điện không bị ảnh hưởng khi tỷ lệ điện mặt trời chiếm đến 75% công suất của lưới phân phối. Chính sách bù trừ điện năng thông qua việc lắp đặt công tơ điện tử 2 chiều sẽ là một chính sách mang lại hiệu quả lớn để khuyến khích điện mặt trời lắp mái, hiện đang được áp dụng thành công tại Mỹ, Đức.
Các đại biểu tham dự Hội thảo cũng đã đưa ra những bình luận cùng nhiều câu hỏi đến các chuyên gia. Trong đó, các đại biểu quan tâm nhiều đến các thách thức lớn cần được nghiên cứu như ảnh hưởng của điện mặt trời đến công tác điều độ vận hành hệ thống điện, ảnh hưởng của hiện tượng nhật thực, yếu tố thời tiết; vấn đề về quy hoạch nguồn điện, quy hoạch lưới điện truyền tải và phân phối; vấn đề kiểm soát các nguồn điện mặt trời lắp mái tăng trưởng quá nhanh; vấn đề về xử lý môi trường đối với các tấm pin mặt trời, ắc quy sau khi hết sử dụng. Các đại biểu cũng đặt ra vấn đề các nhà đầu tư điện mặt trời lắp mái là bên thứ ba thì chính sách hỗ trợ như thế nào, khi Thông tư 16/2017/TT-BCT chưa có quy định...
Tại Hội thảo, các chuyên gia cũng đã đưa ra khuyến cáo rằng Việt Nam cần tham khảo các mô hình chính sách điện mặt trời ở các nước trên thế giới, tránh nóng vội, sai lầm của các nước để phát triển điện mặt trời một cách bền vững.
Kết thúc buổi Hội thảo, Cục Điều tiết Điện lực cho biết sẽ tiếp tục làm việc với nhóm chuyên gia, qua đó tham mưu cho Bộ Công Thương để tư vấn Chính phủ đưa ra những chính sách phù hợp, hướng dẫn cụ thể trong thời gian tới.