Kết quả đánh giá tiềm năng điện mặt trời lắp mái tại thành phố Đà Nẵng.
|
Tại đây, đơn vị tư vấn dự án Effigis do PGS.TS. Phạm Văn Cự, Trung tâm Nghiên cứu biến đổi Toàn cầu – Đại học Quốc gia Hà Nội đã trình bày phương pháp luận và kết quả dự án đánh giá tiềm năng điện mặt trời lắp mái tại Đà Nẵng. Bằng kỹ thuật sử dụng, phân tích hình ảnh vệ tinh có độ phân giải cao lên đến 30 cm, kết hợp thuật toán trí tuệ nhân tạo, dự án đã đưa ra các dữ liệu trên cơ sở tự động nhận dạng các mái nhà; xác định diện tích bề mặt trên mái nhà (m2) phù hợp cho việc thực hiện các hệ thống PV; đánh giá tiềm năng điện mặt trời lắp mái của từng mái nhà, từng khu vực phường xã. Kết quả dự án được thể hiện trên bản đồ số WebGIS http://rooftoppvpotential.effigis.com/.
Theo nghiên cứu của dự án, tổng số mái được xác định qua ảnh vệ tinh là 646.958 mái, trong đó tổng số mái phù hợp để lắp PV là 148.882 mái, chiếm tỷ lệ 23%. Tổng công suất PV ước tính là 1.140 MW (trong đó 18% tiềm năng đến từ các tòa nhà công cộng, 30% đến từ các tòa nhà công nghiệp và 52% đến từ các tòa nhà dân cư), tổng điện năng điện mặt trời lắp mái hàng năm hơn 3000 GWh/năm, tương đương điện năng toàn thành phố Đà Nẵng năm 2018.
Hội thảo còn giới thiệu kỹ năng tra cứu tiềm năng năng lượng mặt trời ở các nước trên thế giới trên trang web http://globalsolaratlas.info. Đây là cơ sở giúp các cơ quan nhà nước, cơ quan năng lượng định hướng cơ chế, chính sách để đầu tư phát triển năng lượng mặt trời trên địa bàn quản lý.
Đối với Công ty Điện lực Đà Nẵng, hội thảo mang đến góc nhìn tổng thể về lĩnh vực năng lượng mặt trời nói chung, điện mặt trời lắp mái nói riêng. Đây sẽ là xu thế tất yếu trong tương lai, góp phần tiết kiệm điện năng, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.