Chi phí tăng, lợi ích dài lâu
Tăng khoảng 3% chi phí đầu tư ban đầu nhưng đạt được các tiêu chí của chứng chỉ xanh EDGE (Excellence in Design for Greater Efficiencies) đồng nghĩa với việc công trình tiết kiệm tới 20% về tiêu thụ năng lượng điện, nước và năng lượng dùng để sản xuất vật liệu. Đây cũng là yêu cầu mà IFC - tổ chức thuộc Ngân hàng Thế giới (World Bank) đặt ra đối với các công trình muốn nhận chứng chỉ xanh EDGE.
Nước thải của dự án Ecolife Capitol được thu gom, xử lý để sử dụng tưới cây tự động.
|
Việt Nam là thị trường đầu tiên tại khu vực Đông Nam Á được triển khai hệ thống EDGE của IFC. Tại dự án EcoLife Capitol (Hà Nội) - dự án mới được cấp chứng chỉ EDGE tuần qua, chủ đầu tư Capital House cho biết đã phải rà soát lại toàn bộ thiết kế, tính toán để tăng công suất lắp đặt năng lượng mặt trời, ít nhất chiếm 1% tổng lượng tiêu thụ điện của cả tòa nhà.
Với yêu cầu tiết kiệm nước, chủ đầu tư phải làm việc với nhà cung cấp, yêu cầu các thiết bị vệ sinh, sen vòi phải đạt tiêu chuẩn.
Để tiết kiệm điện, dự án áp dụng biện pháp cách nhiệt mái bằng vật liệu polyurethane, sử dụng hệ thống đèn LED cả nội và ngoại thất, sử dụng năng lượng mặt trời để chiếu sáng công cộng. Ngoài ra, dự án cũng phải sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường như gạch không nung, tấm sàn bê tông mỏng...
“Ban đầu, Ecolife Capitol sử dụng gạch nung do e ngại phát sinh vấn đề kĩ thuật và giá thành cao. Tuy nhiên, với mục tiêu trở thành công trình xanh, Capital House đã quyết định sử dụng ít nhất 40% gạch không nung cho dự án này”, ông Trần Như Trung, Phó TGĐ Capital House cho biết.
Hiện nay tại Việt Nam chỉ có khoảng 50 công trình đạt chứng chỉ EDGE, chủ yếu là các tòa nhà văn phòng, siêu thị. Đây là chứng chỉ tương đối dễ thực hiện, phù hợp với điều kiện Việt Nam. Còn các loại chứng chỉ với yêu cầu phức tạp hơn như LEED, LOTUS, BJI... thì có rất ít công trình đạt được.
Thực tế cho thấy, tại các dự án đi đầu trong xu hướng công trình xanh như Phú Mỹ Hưng, khu đô thị Vincom Villas Long Biên, Ecohome 1/2 Bắc Từ Liêm…, môi trường sống của cư dân được cải thiện đáng kể.
Xu hướng cần nhân rộng
Mặc dù những lợi ích của chứng chỉ xanh được thấy rõ nhưng hiện chưa có nhiều doanh nghiệp mặn mà. Ông Trần Như Trung lý giải, một phần là do doanh nghiệp ngại tìm hiểu các bộ tiêu chí phức tạp, thậm chí phải sang tận nước sở tại để “mục sở thị”. Về phía khách hàng cũng chưa quen với việc sử dụng tiết kiệm điện, nước.
Ông Trung dẫn chứng: “Khách hàng quen sử dụng vòi hoa sen và bồn cầu với lượng nước tiêu thụ rất nhiều. Tuy nhiên tại tòa nhà đạt chứng chỉ xanh thì không cho phép bồn cầu giật quá 6 lít nước/lần, vòi tắm xịt cũng ít nước hơn.
Hiện nay, các tiêu chí xây dựng xanh của Bộ Xây dựng tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả QCVN 09:2013/BXD khá tương đồng với các tiêu chí của IFC. Bộ quy chuẩn này khuyến khích các chủ đầu tư, nhà thầu và nhà tư vấn xây dựng các công trình thân thiện môi trường, thiết kế theo các tiêu chuẩn tự nguyện của các tổ chức có uy tín, như hệ thống chứng chỉ EDGE.
Theo Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) Nguyễn Công Thịnh: Có nhiều nguyên nhân khiến chủ đầu tư chưa quan tâm đến việc xây dựng công trình xanh. Về mặt cơ chế chính sách, Bộ đã ban hành QCVN09 nhưng phần lớn chưa được tuân thủ. Công tác thanh kiểm tra hạn chế. Do năng lực quản lý của các Sở Xây dựng còn yếu, nhiều nơi chưa nắm được những quy định này để cấp phép. Sắp tới, Bộ sẽ tiến hành tập huấn đồng thời tuyên truyền cho các địa phương.
Ông Trần Ngọc Quang, Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, biến đổi khí hậu đang tác động trực tiếp đến chúng ta, vì vậy cần thay đổi nhận thức của nhà quản lý, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư về công trình xanh, tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng tái tạo để góp phần vào việc bảo vệ môi trường nói chung.