Lợi cả đôi đường
Tại Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Bắc Kạn, trừ các đầu mối phục vụ chung như phòng máy chủ, phòng giao dịch một cửa, tất cả các phòng, ban còn lại đều thực hiện giao khoán sản lượng điện tiêu thụ đến từng cán bộ, công chức (mùa đông 20 kWh/người/tháng, mùa hè 40 kWh/người/tháng). Cơ quan chỉ thanh toán số kWh đã khoán, phòng ban nào sử dụng vượt mức sẽ phải bỏ tiền túi ra trả; ngược lại, phòng nào tiết kiệm, sản lượng điện tiết kiệm được quy ra tiền trả lại cho phòng.
Bà Hoàng Thu Trang, Giám đốc Sở KH&ĐT Bắc Kạn chia sẻ: “Tâm lý “điện chùa” vốn tồn tại “thâm căn cố đế” trong đa số cán bộ, công chức, nên ban đầu (năm 2011), khi Sở áp dụng biện pháp giao khoán, rất nhiều người “tỏ thái độ”. Tuy vậy, lãnh đạo Sở vẫn quyết đi đến cùng. Sau thời gian đầu một số phòng vẫn bị trừ lương vì sử dụng điện vượt mức, đến nay, 100% phòng đều được lĩnh tiền về”.
Ảnh Minh họa
|
Thưởng tiền cho nhóm công nhân giảm được mức tiêu hao điện năng, là giải pháp mà Công ty TNHH đúc thép Thắng Lợi (Vico) đang thực hiện. Công ty khoán lượng điện tiêu hao/tấn sản phẩm cho từng phân xưởng. Phân xưởng nào giảm lượng điện tiêu hao sẽ được thưởng mức lương tương đương với số kWh điện tiết kiệm. “Doanh nghiệp lợi, công nhân lợi nên ở Vico, tiết kiệm điện đã trở thành phong trào thi đua, một thói quen thường xuyên, tích cực”, ông Phùng Đình Thông, Giám đốc Công ty chia sẻ.
Tại nhiều đơn vị khác như Công ty cổ phần Tập đoàn Hương Sen, Công ty cổ phần Đông Bình, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Hải Đường…, giải pháp giao khoán trong sử dụng điện cũng đang phát huy hiệu quả cao.
Cần nhân rộng
Trong một lần trả lời phóng viên Thế giới điện, đại biểu Quốc hội, nhà sử học Dương Trung Quốc cũng đã rất tâm đắc về biện pháp khoán chỉ tiêu sử dụng điện, nước ở một khách sạn nước ngoài. Ông kể, khách sạn này quy định cụ thể số điện, số nước mà mỗi khách hàng được phép sử dụng. Khi thanh toán, những người sử dụng quá định mức sẽ phải nộp thêm tiền, còn người sử dụng tiết kiệm được tặng một biểu tượng về ý thức xanh. Còn lượng điện, nước tiết kiệm được sẽ được quy ra tiền và chuyển cho một quỹ từ thiện.
“Thời gian đầu, khi Công ty giao khoán chỉ tiêu sử dụng điện, chúng tôi lo lắm vì sợ bị phạt. Tuy nhiên, lệnh ban xuống, không thể không chấp hành. Từ đó, anh em luôn nhắc nhau tiết kiệm điện trong tất cả các khâu. Đến tháng, ai được thưởng thì háo hức, ai không được thưởng thì tiếc rẻ, vì chưa cố gắng hết mình. Có tháng, nhờ được tiết kiệm được 10% điện năng, mà toàn bộ anh em xưởng đúc đều được tăng lương, vì số tiền tiết kiệm được từ 10% điện năng này (vốn phải nộp cho ngành Điện), Công ty chia đều vào lương công nhân trong xưởng. Tiền thưởng được tính luôn vào tiền lương cuối tháng, lợi ích ở ngay trước mắt anh em rất vui” - Anh Cao Xuân Thành, công nhân xưởng đúc (Công ty Vico).
|
Khác với hộ gia đình, ở doanh nghiệp hay cơ quan nhà nước, lượng điện năng tiêu thụ nhiều hay ít, không ảnh hưởng đến cá nhân sử dụng, nên chẳng mấy ai có ý thức tiết kiệm. Chính vì vậy, giao khoán sẽ là giải pháp hành chính đặc biệt hiệu quả, bởi khi quyền lợi bị ảnh hưởng trực tiếp, mỗi cá nhân buộc phải sử dụng điện tiết kiệm.
Bà Hoàng Thu Trang cho biết, có thể ban đầu việc áp dụng giải pháp này sẽ vấp phải sự phản ứng, bởi đang được sử dụng “xả láng” giờ phải “vào khuôn khổ”. Nhưng về lâu dài, một giải pháp không chỉ đem lại lợi ích cho cơ quan, doanh nghiệp mà chính mỗi cá nhân cũng được hưởng lợi, chắc chắn sẽ nhận được sự đồng thuận cao.
Tuy nhiên, theo Ông Trịnh Quốc Vũ, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ - Tiết kiệm năng lượng (Bộ Công Thương) thì đây là một giải pháp hay nhưng khi thực hiện cũng cần phải có lộ trình và tính toán hợp lý chỉ tiêu giao khoán, bởi mỗi cơ quan, doanh nghiệp có đặc thù công việc. Nếu các chỉ tiêu giao khoán không hợp lý sẽ gây áp lực lên cán bộ, nhân viên, khiến hiệu suất lao động bị giảm, chẳng hạn, các phòng, ban không chịu làm thêm giờ vì sợ tốn điện; chất lượng sản phẩm không đảm bảo nếu tiết giảm hệ thống chiếu sáng quá đà…