Tìm lời giải cho phát triển năng lượng bền vững tại Việt Nam

Những xu hướng chính sách và quy hoạch phát triển năng lượng cùng những khuyến nghị khi hướng tới phát triển năng lượng bền vững tại Việt Nam đã được nhiều chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng chia sẻ tại buổi tọa đàm “Lời giải nào cho phát triển năng lượng bền vững ở Việt Nam” do Trung tâm Phát triển sáng tạo Xanh (GreenID) tổ chức, ngày 16/9 tại Hà Nội.

Tại buổi tọa đàm, các thách thức và giải pháp cho phát triển năng lượng tại Việt Nam được các chuyên gia phân tích. Theo T.S Ngô Đức Lâm, chuyên gia năng lượng (Green ID) trong 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế xã hội (giai đoạn từ 2001 – 2010), ngành năng lượng đã có những tiến bộ vượt bậc về cơ bản đáp ứng đủ năng lượng cho nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Năm 2010, sản lượng than đạt 4,4 triệu tấn; dầu thô 15 triệu tấn; khí đốt 9 tỷ m3 và sản lượng điện đạt 100 tỷ kWh.

Mặc dù có tốc độ phát triển khá nhanh, nhưng hiệu suất sử dụng năng lượng còn thấp, giá năng lượng chưa được thị trường hóa, các dạng năng lượng mới, năng lượng tái tạo chậm phát triển… do đó dẫn đến nguy cơ không đảm bảo an ninh năng lượng ngày càng cao, vốn đầu tư cho năng lượng gặp nhiều khó khăn…

Nhiều kinh nghiệm về chính sách và quy hoạch phát triển năng lượng cùng những khuyến nghị chính sách hướng tới phát triển năng lượng bền vững tại Việt Nam đã được chia sẻ tại buổi Tọa đàm - Ảnh: Ngọc Tuấn.

T.S Lâm cho rằng, để khắc phục tình trạng này, ngành năng lượng cần thực hiện các giải pháp đồng bộ như: Tăng cường hợp tác, tìm kiếm, và thăm dò các nguồn năng lượng sơ cấp cho đất nước, bao gồm việc mở rộng đầu tư, khai thác các nguồn năng lượng bên ngoài bằng các hình thức liên doanh, liên kết. Ngoài ra, cần thực hiện triệt để hóa hệ thống giá năng lượng để tiếp cận giá thị trường.

Nhằm tình những lời giải cho phát triển năng lượng bền vững tại Việt Nam, đồng thời hướng tới phát triển năng lượng minh bạch và hiệu quả, T.S Đào Trọng Tứ (Liên minh năng lượng) đã đưa ra những khuyến nghị về chính sách như: Khuyến khích nghiên cứu đầu tư phát triển năng lượng tái tạo thay thế các dạng năng lượng truyền thống; thay đổi cách nhìn nhận thủy điện là nguồn năng lượng sạch và rẻ; hạn chế điện chạy than ở mức hợp lý nhằm bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng.

Chia sẻ những kinh nghiệm về chính sách và quy hoạch phát triển năng lượng bền vững của Đan Mạch, ông Jakob Jespersen – Cố vấn kỹ thuật Dự án chuyển hóa các bon thấp trong lĩnh vực hiệu quả năng lượng Bộ Công Thương cho rằng: Ông Jakob cho rằng Việt Nam nên ưu tiên phát triển các nguồn năng lượng bền vững như: Chất thải rắn; sinh khối; năng lượng gió hay năng lượng mặt trời.

Để thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, cần có những hỗ trợ cụ thể: Ngoài khung pháp lý và quy hoạch phù hợp, cần chủ động nguồn kinh phí để hỗ trợ các sáng kiến của địa phương, các khoản đầu tư cho các thiết bị năng lượng tái tạo tiêu chuẩn như nhà máy điện sinh khối và lò đốt.

 


  • 17/09/2014 10:01
  • Ngọc Tuấn
  • 1372