Dạy trẻ mầm non tiết kiệm điện- Tạo đức tính tốt từ thủa ấu thơ

“Trẻ em như tờ giấy trắng. Dạy cho các bé phải tiết kiệm điện, tiết kiệm nước… sẽ giúp hình thành nên thói quen, đức tính tốt, và chính những thói quen này sẽ “ăn sâu, bám rễ” trong nhận thức của các cháu đến mai sau”- cô Đỗ Thị Vinh,  Hiệu trưởng Trường Mầm non Hóa Thượng (Đồng Hỷ, Thái Nguyên) chia sẻ.

 “Nhà cô bật nhiều đèn thế?”

“Sao nhà cô bật nhiều đèn thế?. Tắt đi không là tốn tiền đấy”. Nghe bé Đức (con chị Thảo cùng xóm trọ ở Mỹ Đình 2, Nam Từ Liêm, Hà Nội) nhắc nhở vì lãng phí điện, tôi vô cùng ngạc nhiên, bởi chưa từng nghĩ rằng, một cháu bé 4 tuổi đã có ý thức tiết kiệm điện.

Mang thắc mắc này đi hỏi mẹ bé, chị Nguyễn Thanh Thảo cho biết: “Cháu mới 4 tuổi, làm gì mà đã biết ý thức này, ý thức kia hả cô. Trẻ con chỉ giỏi bắt chước thôi. Trên tivi có quảng cáo “Tắt khi không sử dụng”, mỗi khi xem đến quảng cáo này, tôi lại nhắc cháu khi trời sáng không được bật đèn, hoặc chỉ nên bật một bóng thôi để tiết kiệm tiền mua sữa, nên vô tình đã hình thành một ý thức tiết kiệm điện cho cháu”.

Với trẻ mầm non, hãy dạy các bé rằng, phải đóng cửa tủ lạnh ngay sau khi lấy xong thực phẩm - Ảnh minh họa

Tôi lại hỏi, “Ở trường mầm non mà cháu đang học, các cô có dạy trẻ ý thức tiết kiệm điện không chị”? “Không đâu, các cô chủ yếu cho các cháu ăn, chơi, dạy hát và tập đánh vần một bảng chữ cái thôi”, chị Thảo cho biết.

Qua câu chuyện của mẹ con chị Thảo, tôi chợt nghĩ, trẻ con rất thích bắt chước. Dù các bé chưa ý thức được hành động này là tốt hay xấu, nhưng được nhắc nhở nhiều, quan sát thường xuyên sẽ tạo thành một thói quen tốt cho các bé. Hơn nữa, ở độ tuổi 3-5 tuổi, các em rất nghe lời cô giáo, nhiều bé còn nghe lời giáo viên hơn cả bố mẹ. Do đó, nếu các trường mẫu giáo, mầm non lồng ghép, đưa các kiến thức tiết kiệm năng lượng vào trong các giờ học, giờ chơi, sẽ giúp các em bé - thế hệ tương lai của đất nước - hình thành ý thức sử dụng năng lượng tiết kiệm ngay từ khi còn nhỏ.

Tiềm năng còn bỏ ngỏ

Năm 2010, trong Hướng dẫn gửi các đơn vị trong ngành, Bộ GD&ĐT đã yêu cầu các địa phương triển khai nội dung giáo dục sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong trường mầm non. Thực hiện chỉ đạo này, một số Sở GD&ĐT như Thái Nguyên, Bắc Giang, Đà Nẵng…, đã thực hiện chuyên đề tiết kiệm năng lượng tại các trường mầm non. Nhiều trường đã triển khai và đạt hiệu quả rất tốt như: Trường Mầm non Anh Đào (thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng); Trường mầm non Hóa Thượng (huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên)…

Cô Đỗ Thị Vinh - Hiệu trưởng Trường Mầm non Hóa Thượng chia sẻ: “Trẻ em như tờ giấy trắng. Dạy cho các bé phải tiết kiệm điện, tiết kiệm nước… sẽ giúp các cháu hình thành nên những thói quen, đức tính tốt, và chính những thói quen này sẽ “ăn sâu, bám rễ” trong nhận thức của các cháu đến mai sau”.

Theo cô Vinh, với thế hệ mầm non, chúng ta không thể bắt các bé phải làm thế này, làm thế kia, vì các cháu chưa hiểu được và cũng chưa làm được. Cái mà chúng ta nên làm là lồng ghép vào các giờ học, giờ chơi những kiến thức, những hành động mà các bé có thể thực hiện như: Sau khi rửa tay phải vặn vòi nước ngay; không được mở cửa tủ lạnh quá lâu; nhắc nhở người lớn trong gia đình tiết kiệm điện…

Dù đã được thực hiện hiệu quả tại một số trường, nhưng nhìn chung hoạt động giáo dục tiết kiệm điện trong bậc học mầm non chưa thực sự được đẩy mạnh. Những năm qua, có rất nhiều chương trình tuyên truyền, giáo dục về tiết kiệm năng lượng nói chung, tiết kiệm điện nói riêng đã được các cấp, các ngành đưa vào học đường, nhưng đều mới tập trung ở các bậc Tiểu học, THCS và THPT.


  • 26/08/2014 02:02
  • Hồng Hoa
  • 6106