Sấy nông sản bằng năng lượng mặt trời: Để xóa “mảng tối”

“Công nghệ sấy nông sản đang là một “mảng tối” ở Việt Nam” - Đó là khẳng định của TS. Nguyễn Thị Thúy Anh - Viện trưởng Viện Phát triển Kinh tế hợp tác (Liên minh HTX Việt Nam). Liệu việc sử dụng máy sấy nông sản mặt trời công nghệ cao có thể xóa được “mảng tối” này hay không khi vẫn còn đó rất nhiều trăn trở?

Tiết kiệm năng lượng, giảm ô nhiễm môi trường, giảm tổn thất sau thu hoạch, tăng giá trị hàng hóa nông sản… là những lợi ích vượt trội của máy sấy nông sản năng lượng mặt trời công nghệ cao, thuộc Chương trình Đổi mới Sáng tạo Việt Nam - Phần Lan do Bộ Khoa học - Công nghệ chủ trì.

Tăng giá trị nông sản

Máy sấy nông sản năng lượng mặt trời công nghệ cao

Ông Trần Công Lý - Giám đốc Công ty TNHH Phát triển Ứng dụng Kỹ nghệ mới (SAV) - đơn vị được Bộ Khoa học - Công nghệ giao thực hiện chương trình cho biết: Máy sấy nông sản năng lượng mặt trời (NLMT) công nghệ cao, dựa trên sự kết hợp hai công nghệ hiện đại nhất về thu nhiệt NLMT: Công nghệ ống thủy tinh chân không hấp thụ năng lượng trên 92% và công nghệ ống nhiệt truyền nhiệt nhanh - mạnh. Hệ thống ống thủy tinh chân không nhận bức xạ từ mặt trời và truyền qua ống nhiệt vào bộ thu nhiệt cung cấp cho máy sấy. Đặc biệt, không cần công nhân kỹ thuật cao, mà chỉ cần lao động phổ thông. Họ được hướng dẫn 1 ngày đã có thể vận hành máy.

Các công nghệ sấy nông sản bằng NLMT ở Việt Nam đã được đưa vào ứng dụng trong thực tế sản xuất thử nghiệm gồm: Sấy lúa, sấy gia vị (gừng, nghệ, tỏi) và sấy cà phê.

Ngoài giảm được tổn thất sau thu hoạch, sấy nông sản bằng NLMT được đánh giá mang lại nhiều lợi ích khác như: Hạn chế nạn phá rừng do không phải sử dụng củi làm nguyên liệu sấy; giảm phát thải CO2; tiết kiệm năng lượng; tăng giá trị nông sản so với phương pháp phơi thủ công…

Cần sự hỗ trợ của Nhà nước

Theo ước tính của các nhà khoa học, tổn thất sau thu hoạchhàng năm của Việt Nam đã lên tới 970.000 tấn lúa (tương đương khoảng 5000 tỷ đồng), chưa kể làm giảm giá trị gạo xuất khẩu do sấy lúa không đảm bảo.

“Do phải lắp đặt bộ thu nhiệt, nên chi phí đầu tư máy sấy nông sản NLMT khá lớn. Ví dụ, máy sấy lúa NLMT công suất 500 kg thóc/mẻ, cần vốn đầu tư trên 100 triệu đồng. Đây là một con số không nhỏ đối với người nông dân. Tuy nhiên, nếu xét về hiệu quả đầu tư, con số này không cao, bởi máy có tuổi thọ từ 10-15 năm, bảo trì sửa chữa đơn giản, tiết kiệm chi phí sản xuất do không tốn điện…” - ông Lý chia sẻ.

Cũng theo ông Lý, sấy nông sản bằng NLMT đặc biệt phát huy hiệu quả đối với các HTX và doanh nghiệp chế biến nông sản. Nhưng để máy sấy nông sản NLMT đi vào thực  tiễn sản xuất, rất cần sự vào cuộc của các đơn vị truyền thông quảng bá. Ngoài ra, chính sách hỗ trợ vay vốn của Nhà nước cũng cần đơn giản, thông thoáng, thuận tiện hơn…

Theo TS. Nguyễn Thị Thúy Anh, trong tháng 5/2014, Viện Phát triển Kinh tế hợp tác đã tổ chức 3 lớp tập huấn “Phương pháp sấy nông sản bằng năng lượng mặt trời” ở HTX thuộc các tỉnh Thái Nguyên, Bình Phước, Đắk Nông. Đa số các HTX đều nhận thấy lợi ích của phương pháp này, nhưng vẫn băn khoăn về vốn đầu tư quá lớn so với thu nhập của người nông dân và mong muốn nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước...

Năm 2013, SAV đã sản xuất thử nghiệm máy sấy nông sản NLMT với công suất 500 kg thóc/mẻ. Kết quả:

- ŸHiệu suất bộ thu NLMT đạt từ 55%-65%;

Ÿ- Thời gian khởi động máy nhanh;

- ŸCho phép sấy ở nhiệt độ cao ngay cả khi cường độ bức xạ mặt trời thấp (khoảng 350 W/m2);

Ÿ- Giảm độ ẩm lúa từ 30%-33% xuống còn 13%-14%;

Ÿ- Góp phần hạn chế sự phát triển của các loại côn trùng, nấm mốc…;

- Hạt lúa rắn chắc hơn, giảm được sự gãy, vỡ hạt khi xay xát.

 


  • 20/08/2014 08:28
  • Theo TCDL chuyên đề Thế giới điện
  • 1941