Nhãn năng lượng phản ánh... “chất lượng” sản phẩm
“Cái nhãn này là của Bộ Công Thương, để chỉ chất lượng của sản phẩm. Đây này, trên nhãn in đậm ở hình ngôi sao số 3, chứng tỏ nồi cơm điện này đạt chất lượng 3 sao”, đó là giải thích của một chủ cửa hàng điện gia dụng trên phố Cầu Giấy (Hà Nội), khi tôi hỏi mua nồi cơm điện và thắc mắc về nhãn năng lượng được dán trên sản phẩm.
Còn tại một cửa hàng điện gia dụng trên phố Trần Bình (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), anh Long, chủ cửa hàng cho biết: “Đây là nhãn do nhà sản xuất dán, nên tôi cũng không rõ lắm. Chỉ biết bây giờ bán quạt mà không có cái “nhãn xanh xanh” này, sẽ bị quản lý thị trường phạt nặng”.
Nhiều sản phẩm đã được dán nhãn năng lượng, nhưng cả người bán và người mua đều rất mơ hồ về ý nghĩa của nhãn năng lượng - Ảnh: Internet
|
Các cửa hàng diện gia dụng nhỏ lẻ đã vậy, ở các siêu thị nhân viên bán hàng cũng rất... lơ mơ. Tại quầy điện gia dụng của siêu thị Pico (Cầu Giấy), khi hỏi nhân viên bán hàng vì sao ở dòng sản phẩm quạt điện, cái có nhãn năng lượng, cái không? Liệu có phải sản phẩm nào không có nhãn năng lượng là không tiết kiệm điện?, tôi nhận được câu trả lời, “Em cũng không rõ lắm chị ạ. Người phụ trách sản phẩm này hôm nay lại không ở đây”.
Theo quan sát của phóng viên, với những sản phẩm như quạt điện, nồi cơm…, đa số nhân viên bán hàng và người tiêu dùng đều không biết nhãn năng lượng có ý nghĩa gì. Riêng những dòng sản phẩm như tủ lạnh, máy điều hòa, do sử dụng công nghệ inverter, tiết kiệm điện nên khi giới thiệu sản phẩm, ngoài việc nhấn mạnh về công nghệ mới, nhân viên bán hàng thường chỉ vào nhãn năng lượng để gia cố niềm tin cho người tiêu dùng.
“Nhãn năng lượng là gì?”
Đó là trả lời, đồng thời cũng là câu hỏi mà tôi nhận được của đa số người tiêu dùng trong một buổi sáng khi dạo qua thị trường điện gia dụng.
Tại siêu thị Pico, khi được hỏi, chị mua hàng có lưu ý đến những sản phẩm đạt nhiều sao trên nhãn năng lượng không?, chị Lan (phường Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội) ngạc nhiên: “Nhãn năng lượng là gì? Tôi đã nghe thấy bao giờ đâu”.
Cũng giống chị Lan, anh Minh (phường Láng Hạ, Đống Đa) cũng chưa từng nghe đến nhãn năng lượng. Theo anh Minh: “Thông thường khi mua máy giặt, điều hòa hay những sản phẩm tiêu tốn nhiều điện năng, người ta mới chú ý đến tính năng tiết kiệm điện. Còn với nồi cơm điện, bóng đèn.... chẳng tốn bao nhiêu điện nên chẳng mấy ai để ý đến việc có tiết kiệm điện hay không”.
Có thể thấy, quy định dán nhãn năng lượng bắt buộc đối với các thiết bị điện gia dụng đã có hiệu lực hơn 1 năm và trên nhiều sản phẩm, nhãn năng lượng đã dán nhằm giúp người tiêu dùng lựa chọn được những sản phẩm có hiệu suất năng lượng tốt nhất. Tuy nhiên, đến nay cả người bán và người mua đều rất mơ hồ về ý nghĩa nhãn năng lượng.
Thiết nghĩ, nên chăng các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, để đông đảo người dân hiểu về nhãn năng lượng. Có như vậy, quy định bắt buộc dán nhãn năng lượng mới phát huy được tối đa ý nghĩa trong việc giúp người dân nhận biết sản phẩm tiết kiệm điện.
Cách nhận biết nhãn năng lượng:
- Nhãn năng lượng xác nhận: Là nhãn thể hiện hình biểu tượng Tiết kiệm năng lượng (hay còn gọi là Ngôi sao năng lượng Việt) được dán cho các phương tiện, thiết bị lưu thông trên thị trường khi những phương tiện, thiết bị này có mức hiệu suất năng lượng đạt hoặc vượt mức hiệu suất năng lượng cao (HEPS) do Bộ Công Thương quy định theo từng thời kỳ.
- Nhãn năng lượng so sánh: Là nhãn được dán cho các phương tiện, thiết bị lưu thông trên thị trường có mức hiệu suất năng lượng khác nhau, ứng với năm cấp hiệu suất năng lượng (từ một sao đến năm sao), nhãn năm sao là nhãn có hiệu suất tốt nhất.
Nhãn cung cấp cho người tiêu dùng biết các thông tin về hiệu suất năng lượng của phương tiện, thiết bị này so với các phương tiện, thiết bị cùng loại khác trên thị trường, qua đó giúp người tiêu dùng lựa chọn được phương tiện, thiết bị có mức tiêu thụ năng lượng tiết kiệm hơn.
|