Làm cho học sinh “Yêu thích - Hiểu - Hành động”

Hướng dẫn học sinh thực hiện các biện pháp tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường bằng cách mang đến cho các em những vở kịch hay, những trò chơi hấp dẫn gắn liền với môi trường, biến đổi khí hậu. Cách làm này của Tổ chức Thanh niên vì tương lai Xanh của bé ở Thành phố Hồ Chí Minh (GFOC HCMC) đã tạo sức hút đối với học sinh tiểu học trên địa bàn.

Bỏ lý thuyết lê thê

“Để các em hiểu về tác hại của biến đổi khí hậu, chúng tôi cho các em tham gia một trò chơi với nhiều nhóm nhỏ, mỗi nhóm được phát một tờ giấy khổ A0. Khi nghe khẩu lệnh “nước biển dâng”, các em phải nhanh chóng bước lên tờ giấy (tượng trưng cho đất liền).

Hô khẩu lệnh “nước biển dâng” lần hai, tờ giấy được gấp đôi, diện tích đứng bị thu nhỏ, buộc các em phải sắp xếp đội hình, tương trợ lẫn nhau, nếu không sẽ có người rơi ra ngoài. Cứ thế, tờ giấy ngày càng thu nhỏ... Qua đó, các em thấy được những hệ lụy và những hành động mình phải làm để ứng phó với biến đổi khí hậu” - Chị Trần Nữ Huyền Trang, Trưởng Ban Nội dung của GFOC HCMC cho biết.

Các em học sinh tự dàn dựng và biểu diễn kịch rối về bảo vệ môi trường

Là tổ chức giáo dục vì môi trường với đối tượng chính là các em học sinh tiểu học trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh lân cận, GFOC HCMC đã xây dựng các chương trình với nhiều hoạt động giáo dục phù hợp, tính hiệu quả tăng dần theo cấp độ: “Yêu thích - Hiểu - Hành động”.

Không sử dụng những bài lý thuyết dài lê thê, thay vào đó GFOC HCMC sử dụng những vở kịch, những trò chơi lý thú. Khi các em đã hiểu được vì sao cần phải tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, các tình nguyện viên mới hướng các em đến những hành động cụ thể, thiết thực như: Vứt rác đúng nơi quy định, tắt điện trước khi ra khỏi phòng; tắt máy tính sau khi chơi game…

“Thấy được tầm quan trọng của mình, các bé sẽ chú tâm hơn và nhắc nhở bạn bè, bố mẹ cùng thực hiện”- chị Lương Thị Thùy Linh,  Phó Chủ nhiệm GFOC HCMC chia sẻ.

Không chỉ dừng lại ở việc được truyền đạt và tiếp thu kiến thức, GFOC HCMC còn hướng dẫn các em phát huy khả năng sáng tạo, tình yêu môi trường qua việc làm các sản phẩm tái chế, trồng cây xanh…

Nhiều ý tưởng, ít kinh phí

Sau hơn 3 năm hoạt động (2011-2014), với phương châm “Tô màu xanh, vẽ tương lai”, GFOC HCMC đã thực hiện gần 30 chương trình. Bên cạnh những thuận lợi như tình nguyện viên năng động, nhiệt tình; các trường học hưởng ứng tích cực…, GFOC HCMC cũng gặp không ít khó khăn.

Ngoài một số dự án được các tổ chức như Trung tâm Hỗ trợ phát triển cộng đồng LIN, Tập đoàn Bayer hỗ trợ, còn lại, để có kinh phí thực hiện các chương trình, các thành viên GFOC HCMC phải thực hiện các hoạt động kinh tế xanh như: Kinh doanh cây cảnh, đồ handmade…

Chị Nguyễn Thị Thanh Hường - Trưởng ban Truyền thông GFOC HCMC cho biết, nguồn khi phí hạn hẹp khiến nhiều ý tưởng GFOC HCMC gặp khó khi triển khai trong thực tế. Bên cạnh đó, 100% thành viên của GFOC HCMC là sinh viên đến từ nhiều trường đại học nên phải cân đối thời gian giữa học tập và các hoạt động của tổ chức. Vì thế GFOC HCMC phải hết sức nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn về kinh phí và  bố trí nhân sự để thực hiện các chương trình thực sự bổ ích, lý thú và hiệu quả cho các em học sinh.

Một số chương trình tiêu biểu của GFOC HCMC:

• Chuỗi chương trình ngày hội xanh gồm: “Ngày hội trồng cây”, “Ngôi nhà xanh của em” tại Trung tâm Bảo trợ trẻ em chùa Long Hoa, Trường Tiểu học Hanh Thông (TP.HCM) và Trường Tiểu học Kim Đồng (huyện Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp).

• Chương trình hưởng ứng Giờ trái đất năm 2011 – “Chiến dịch 26 độ”, kêu gọi mọi người tiết kiệm điện và giảm hiệu ứng nhà kính bằng cách chỉnh nhiệt độ điều hòa ở mức 26°C.

• Du lịch xanh trải nghiệm “Beyond the bamboo”, với sự tham gia của 50 em học sinh Trường Tiểu học Việt -  Anh, tổ chức tại làng trẻ Phú An, tỉnh Bình Dương.

• Chuỗi chương trình kịch rối “GFOC - Những ngón tay xinh” gồm 4 chương trình về các vấn đề môi trường như ô nhiễm nước, phá rừng, xâm thưc tại 3 miền Bắc, Trung, Nam và chương trình Gala “Nhà viết kịch xanh” tại trường Tiểu học Lương Thế Vinh (Quận 1, TP.HCM)…

 


  • 22/07/2014 02:07
  • Theo TCĐL chuyên đề Thế giới điện
  • 1792