Thành phố các-bon thấp: Mở hướng tương lai

Để phát triển thành phố các-bon thấp, không chỉ dừng lại ở khâu xây dựng chính sách, đổi mới tư duy công nghệ mà cần có sự tham gia của cả xã hội. Xu hướng xây dựng những đô thị sạch, đáng sống đang dịch chuyển về châu Á, trong đó có Việt Nam.

Khí thải - trách nhiệm đầu tiên thuộc đô thị

Theo Ngân hàng Thế giới, ngày nay, các thành phố tiêu thụ khoảng 2/3 năng lượng và thải ra khoảng 70% khí nhà kính toàn thế giới. Tính đến thời điểm này, mức độ tập trung khí dioxit các-bon trong bầu khí quyển đã đạt mức cao nhất trong 3 triệu năm trở lại đây. Như vậy, trách nhiệm giảm phát thải các-bon trước hết thuộc về các thành phố đã từng thờ ơ với phát triển sạch.

Người dân đi đường luôn phải bịt khẩu trang tránh hít phải khói bụi ảnh hưởng đến sức khỏe - Ảnh minh họa

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) chỉ ra rằng, nếu sử dụng năng lượng hiệu quả hơn thì từ nay đến năm 2020 sẽ giảm được 72% lượng khí thải dioxit các-bon trên toàn cầu. Dự báo này đã thúc đẩy các sáng kiến hữu ích trong lĩnh vực năng lượng, tập trung vào việc hạ các nấc thang các-bon từ cao xuống thấp. Điển hình như một sáng kiến của Ngân hàng Thế giới đang giải quyết vấn đề quy hoạch và tài chính cho 300 thành phố phát triển theo hướng giảm các-bon trong vòng 4 năm tới. Một sáng kiến khác, Ngân hàng Thế giới cũng đang hỗ trợ 50 thành phố xây dựng năng lực và xác định các dự án nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng.

Năm 2011, Nghị định thư Kyoto về giảm phát thải khí nhà kính đã được gần 200 nước kí kết. Mỗi quốc gia tự chọn một cách ứng xử với hàm lượng các-bon trong mối liên quan với nền kinh tế.

Cơ hội cho các thành phố của Việt Nam

Việt Nam không đứng ngoài xu hướng cắt giảm các-bon của thế giới. Thậm chí, với lợi thế dân số trẻ và nhiều thành phố bắt đầu quá trình đô thị hóa nên có thể xây dựng thành phố tăng trưởng xanh theo hướng đi tắt, đón đầu, học tập những mô hình tăng trưởng xanh của thế giới.

Đà Nẵng xây dựng thành phố có hàm lượng các-bon thấp - Ảnh: CTV

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên & Môi trường Đà Nẵng, thông qua các dự án sử dụng tiết kiệm năng lượng, địa phương đã giảm 12.000 tấn CO2 phát thải vào môi trường. Câu chuyện Đà Nẵng được công nhận là một trong 20 thành phố có không khí sạch bởi lượng các-bon thấp tại Hội nghị Năng lượng Diễn đàn Hợp tác châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 44 (2012) đã khai sinh mô hình các-bon thấp “địa phương hóa”.

Một thành phố đã gây dựng được niềm tin “sạch” như Đà Nẵng, cũng đồng nghĩa với việc có điều kiện tiếp cận các nguồn tài chính hỗ trợ giảm các-bon từ các dự án quốc tế. Hiện, thành phố này đang thực hiện dự án nghiên cứu khả thi Mô hình thành phố hàm lượng các-bon thấp, với tổng kinh phí tài trợ lên đến 12 tỷ đồng.

Ở khía cạnh khác, mối liên kết giữa các thành phố trên thế giới cho phép nhiều mô hình hợp tác vì mục tiêu đẩy lùi lượng CO2. Mới đây, thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Osaka (Nhật Bản) đã thống nhất nội dung xây dựng “Hòn ngọc Viễn Đông” thành thành phố phát thải các-bon thấp theo hướng vận dụng cơ chế tín chỉ chung (JCM). Những chuyên gia của Osaka sẽ xây dựng kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu, sử dụng năng lượng hiệu quả, quản lý nguồn nước bền vững…cho thành phố Hồ Chí Minh. Về lâu dài, mô hình hợp tác này cần thêm sự kết nối chính sách năng lượng giữa hai thành phố.

Rồi đây, sẽ có nhiều thành phố lớn của Việt Nam như Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ… cũng tham gia vào các dự án chuyển hóa các-bon thấp trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng. Tăng trưởng xanh được các địa phương lựa chọn làm chiến lược phát triển lâu dài. Tuy nhiên, thiết nghĩ, mọi thành quả lớn lao đều bắt đầu từ những thứ nhỏ nhất, mỗi người dân Việt Nam hãy bắt đầu cắt giảm lượng các-bon tại từng ngôi nhà, trong từng hành động của mình.

Dioxit các-bon (CO2):

• Là hợp chất hóa học, không màu. Trong điều kiện bình thường, tồn tại ở dạng khí; trong dạng rắn, được gọi là băng khô.

• Có trong khí quyển trái đất với nồng độ thấp và tác động như một khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

• Khi hít phải dioxit các-bon nồng độ cao rất dễ gây ngạt thở.

Nghị định thư Kyoto:

• Là Nghị định liên quan đến Chương trình khung về biến đổi khí hậu mang tầm quốc tế của Liên hiệp quốc.

• Mục tiêu: Cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

• Bản dự thảo được kí kết vào ngày 11/12/1997 và chính thức có hiệu lực từ ngày 16/2/2005.

• Tính đến tháng 9/2011, khoảng 191 nước đã tham gia Nghị định này.

• Việt Nam ký Nghị định thư Kyoto vào ngày 3/12/1998 và phê chuẩn vào ngày 25/9/2002.

Cơ chế tín chỉ chung (JCM):

• Là cơ chế giảm phát thải các-bon do Nhật Bản đề xuất.

• Mục tiêu: Thúc đẩy việc hợp tác song phương với các nước đang phát triển, thực hiện các hành động giảm phát thải khí nhà kính thông qua việc chuyển giao công nghệ sạch và tiên tiến từ Nhật Bản.

• Việt Nam và Nhật Bản đã ký kết xây dựng JCM thông qua Bản ghi nhớ hợp tác Nhật Bản - Việt Nam về tăng trưởng các-bon thấp, ngày 2/7/2013.

 


  • 01/07/2014 03:30
  • Theo TCDL chuyên đề Thế giới điện
  • 2340