Dán nhãn năng lượng: Doanh nghiệp kêu ca tốn kém và mất thời gian

Mất thời gian; tốn chi phí; ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh… là những khó khăn mà các doanh nghiệp thường "kêu" sau hơn một năm thực hiện dán nhãn năng lượng cho các sản phẩm bắt buộc, theo quy định của Chính phủ.

Chấp hành… nhưng không triệt để

Dạo qua thị trường điện gia dụng hiện nay, không khó để bắt gặp hình ảnh các sản phẩm như nồi cơm, quạt điện, điều hòa, tủ lạnh, tivi… có nhãn năng lượng. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn không ít sản phẩm chưa được dán nhãn năng lượng theo quy định.

Tại một cửa hàng điện gia dụng trên phố Nguyễn Khánh Toàn (Cầu Giấy, Hà Nội), đa số các sản phẩm bóng đèn huỳnh quang, compact; chấn lưu điện từ, điện tử… chưa được dán nhãn năng lượng. Còn tại các siêu thị điện máy như Pico, Topcare, Trần Anh, cùng một hãng, cùng một loại sản phẩm là quạt điện, nồi cơm điện nhưng cái có nhãn năng lượng, cái không.

Nhiều sản phẩm đã được dán nhãn năng lượng theo quy định - Ảnh: Internet

Mang thắc mắc này đi hỏi nhân viên bán hàng ở siêu thị Pico (Cầu Giấy, Hà Nội), chúng tôi nhận được câu trả lời: “Không biết, vì hàng nhập về sao thì bán vậy”. Tương tự, một chủ cửa hàng trên phố Nguyễn Lương Bằng (Đống Đa, Hà Nội) cho hay, “nhãn năng lượng là do nhà sản xuất dán, chúng tôi làm sao biết được”.

Mất thời gian, tốn chi phí

Liên hệ với một doanh nghiệp điện tử lớn (có rất nhiều sản phẩm buộc phải dán nhãn năng lượng như quạt điện, nồi cơm điện, đèn compact, huỳnh quang…), chỉ khi chúng tôi đồng ý không nêu đích danh tên trong bài viết, đại diện Công ty này mới cho hay: “Quy định dán nhãn năng lượng gây cho các doanh nghiệp không ít khó khăn. Từ lúc xét duyệt hồ sơ, tets sản phẩm, chứng nhận tại nguồn ở nhà máy sản xuất đến gửi hồ sơ lên Bộ Công Thương…, quy trình vừa phức tạp và tốn rất nhiều thời gian.

Bên cạnh đó, mỗi dòng sản phẩm có rất nhiều sản phẩm con; sản phẩm nào cũng phải đánh giá, xét nghiệm để dán nhãn năng lượng, dù to hay nhỏ. Nên kinh phí là cả một vấn đề…

“Không phải chúng tôi không chấp hành, mà chưa thể triển khai trên tất cả các sản phẩm bắt buộc, nên mới có hiện tượng cùng là sản phẩm của một hãng nhưng có cái có nhãn năng lượng, có cái không”, đại diện doanh nghiệp này chia sẻ.

Doanh nghiệp sản xuất trong nước đã vậy, doanh nghiệp nhập khẩu cũng gặp khó khăn không kém. Nếu chứng nhận tại nguồn sản xuất, phải thực hiện ở ngước ngoài, không dễ dàng. Còn nếu thực hiện chứng nhận cho từng lô hàng khi nhập khẩu qua biên giới Việt Nam, doanh nghiệp phải mất thêm chi phí thuê kho bãi để hàng. Bình thường hàng nhập về là tung ra thị trường, bây giờ hàng về đến cảng phải nhập kho, đợi làm hồ sơ xin cấp chứng nhận dán nhãn năng lượng, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Các doanh nghiệp kiến nghị, Bộ Công Thương, các cơ quan cần rút ngắn thời gian kiểm định; lược bớt thủ tục nhằm đẩy nhanh thời gian cấp nhãn năng lượng, giảm lược tối đa những ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Được biết, thời gian tới, một số địa phương như TP.HCM, Hải Phòng sẽ tổ chức kiểm tra, xử phạt những đơn vị, doanh nghiệp chưa chấp hành quy định dán nhãn năng lượng. Theo quy định, mức xử phạt cao nhất đối với vi phạm dán nhãn năng lượng lên đến 70 triệu đồng. Do đó, nếu các doanh nghiệp không “nhanh chân” thực hiện, họ không chỉ tốn kinh phí phục vụ việc dán nhãn năng lượng mà còn mất thêm cả tiền nộp phạt.


  • 01/08/2014 09:24
  • Nghi Viên
  • 1537