Doanh nghiệp chưa mặn mà
Ông Nguyễn Công Thịnh, Chuyên viên Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) cho biết, việc thu xếp vốn là khó khăn lớn nhất khi các công trình áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng. Và đó cũng là một trong những vấn đề mà Dự án này phải đối mặt.
“Dự án chỉ hỗ trợ về mặt kỹ thuật chứ không hỗ trợ đầu tư các thiết bị, công nghệ. Trong khi đó, đầu tư các thiết bị, công nghệ tiết kiệm năng lượng khá lớn, nên sẽ rất khó khăn khi thuyết phục các chủ đầu tư tham gia”, ông Thịnh chia sẻ.
Đại diện một doanh nghiệp xây dựng xin được giấu tên cho biết, kinh tế khó khăn, trong khi vốn đầu tư một công trình sử dụng năng lượng hiệu quả cao hơn từ 5%-7% so với một công trình bình thường. Đó là chưa kể những khó khăn về thiết kế, công thức tính toán hiệu quả, thời gian hoàn vốn... nên các doanh nghiệp chưa mặn mà trong việc đầu tư các giải pháp tiết kiệm năng lượng.
Cũng theo ông Thịnh, việc huy động vốn để thực hiện các hoạt động của Dự án cũng gặp trở ngại, do nguồn kinh phí hoàn toàn phụ thuộc vào nhà tài trợ; còn kinh phí từ Chương trình mục tiêu quốc gia sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả những năm gần đây đều bị giảm, đặc biệt là năm 2014.
Cán bộ vừa thiếu vừa yếu
Theo Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng), ngành Xây dựng Việt Nam đang đi những bước ban đầu trong chiến lược tăng trưởng xanh nên đội ngũ chuyên gia đánh giá, xác định các tiêu chuẩn công trình xanh còn thiếu. Bên cạnh đó, trình độ năng lực kiểm soát việc tuân thủ các yêu cầu về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả ở một số đơn vị liên quan còn hạn chế. Sở xây dựng các địa phương cũng chưa có quy định cụ thể về đầu mối tiết kiệm năng lượng nên việc bố trí, đào tạo cán bộ cũng gặp trở ngại…
Ngoài ra, hạ tầng công nghệ thông tin, các công cụ hỗ trợ việc thu thập, lưu trữ và quản lý dữ liệu tiết kiệm năng lượng ở các địa phương cũng còn chưa đáp ứng được yêu cầu. Trong khi đó, những năm qua các cơ quan quản lý nhà nước chưa sát sao trong kiểm tra việc tuân thủ các quy định sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các công trình…, nên nhiều chủ đầu tư còn thờ ơ.
Những khó khăn đều đã được dự báo trước. Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng có thể từng bước gỡ khó, thực hiện thành công dự án này hay không vẫn còn là một câu hỏi ngỏ.
Dự án Thúc đẩy hiệu quả sử dụng năng lượng trong ngành Xây dựng:
- Tổ chức Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tài trợ.
- Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) chủ trì dự án.
- Tổng kinh phí hơn 3.348.000 USD.
- Thực hiện trong 4 năm (từ tháng 4/2014- 4/2018).
- Được thí điểm tại 5 địa phương (Hải Phòng, Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM, Cần Thơ).
- Mục đích: Giảm 30.000 tấn CO2 và 45 triệu kWh điện.
|