Ông Lê Tuấn Phong
|
Ông Lê Tuấn Phong, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Năng (Bộ Công Thương): “Vốn đầu tư của ngành năng lượng rất lớn”
Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức trong lĩnh vực năng lượng như nhu cầu năng lượng tăng trưởng cao gây áp lực rất lớn đến việc đảm bảo an ninh năng lượng, đồng thời cũng tạo sức ép lớn cho nền kinh tế Việt Nam về vốn đầu tư cho ngành năng lượng.
Việt Nam cần nỗ lực, thực hiện nhiều giải pháp để cải thiện việc hoạch định chiến lược phát triển ngành năng lượng, quy hoạch năng lượng, xây dựng thị trường năng lượng cạnh tranh để cải thiện hiệu quả và năng suất của ngành năng lượng, tăng tỷ trọng các nguồn năng lượng sạch và năng lượng tái tạo, thúc đẩy các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Ông Tô Quốc Trụ |
Ông Tô Quốc Trụ, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học năng lượng VEA (VESB): Phát triển và khai thác hợp lý các nguồn năng lượng
Để đảm bảo phát triển năng lượng bền vững, Việt Nam cần hết sức quan tâm đến điều hành, quản lý, phát triển và khai thác hợp lý các nguồn năng lượng.
Chính sách sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cần được nhấn mạnh và đưa ra biện pháp mạnh để thực hiện. Trên phương diện tổng thể, Việt Nam cần ưu tiên phát triển các ngành kinh tế - xã hội nói chung và ngành công nghiệp nói riêng có cường độ năng lượng thấp, áp dụng công nghệ mới sản xuất các trang thiết bị hiệu suất cao, khuyến khích về thuế cho các doanh nghiệp tiết kiệm năng lượng, miễn giảm thuế thu nhập hàng hóa và thiết bị tiết kiệm năng lượng…
Ông Nguyễn Tài Anh
|
Ông Nguyễn Tài Anh, Phó Tổng giám đốc EVN: Thực hiện trách nhiệm của doanh nghiệp đối với xã hội
Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã và đang nỗ lực hết sức mình để thực hiện các trách nhiệm của doanh nghiệp đối với xã hội, thực hiện các mục tiêu công ích, an sinh xã hội, đưa điện lưới quốc gia về tới 99,8% số xã, 98,76% số hộ dân nông thôn, đảm nhận cấp điện cho 9/12 huyện đảo trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam.
Cùng với việc bảo đảm đủ điện cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước, trước những yêu cầu ngày càng khắt khe của khách hàng về chất lượng, dịch vụ, thực hiện các trách nhiệm về môi trường, EVN đang xây dựng chương trình tái cấu trúc lại tổ chức, nâng cao năng lực quản trị, năng suất lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Tỷ lệ tổn thất điện năng bao gồm cả lưới điện truyền tải và phân phối điện của EVN đã giảm từ 10,15% năm 2010 xuống còn 7,94% năm 2015, mục tiêu đến năm 2020 là dưới 6,5%. Các chỉ tiêu về độ tin cậy cung cấp điện liên tục được cải thiện: Chỉ số thời gian cắt điện trung bình (SAIDI) giảm từ 8.077 phút năm 2012 xuống còn 2.110 phút năm 2015. EVN đặt mục tiêu phấn đấu năm 2.016 phút còn dưới 400 phút/năm, tương đương với các nước tiên tiến trong khu vực.
Ông Nguyễn Văn Biên |
Ông Nguyễn Văn Biên, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than & Khoáng sản Việt Nam (TKV): Phát triển ngành than gắn với bảo vệ môi trường
Mặc dù TKV đã tích cực và đang phải tiếp tục triển khai mạnh mẽ các giải pháp nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm chi phí nhưng Tập đoàn cũng rất cần sự chia sẻ, thấu hiểu của các nhà làm chính sách đảm bảo lợi ích hài hòa giữa nộp ngân sách, lợi nhuận để đầu tư phát triển doanh nghiệp như ngành mỏ các nước đã thực hiện nhiều năm nay.
Các nhà làm chính sách cần sớm điều chỉnh thuế, chi phí tương đương với các nước trong khu vực để cạnh tranh giữ vững thị trường và năng lực sản xuất của ngành, góp phần phát triển bền vững.
Ngoài ra cũng cần triển khai các giải pháp theo Quy hoạch phát triển ngành than như: Các bộ, ngành phối hợp với các địa phương xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ cơ chế, chính sách đặc thù đảm bảo đủ điều kiện để phát triển ngành than theo Quy hoạch; cần tìm kiếm các cơ hội và thu xếp nguồn vốn để thực hiện việc đầu tư thăm dò, khai thác than ở nước ngoài bằng nhiều hình thức...