Người dân, doanh nghiệp hiến kế tiết kiệm điện

Để tiết kiệm điện thành thói quen thường nhật, cần hình thành thói quen cho công dân nhí, tư vấn giải pháp tiết kiệm điện cho doanh nghiệp (DN), hộ gia đình, nhân rộng mô hình hiệu quả…

Phát huy hiệu quả các chương trình tiết kiệm năng lượng

Ông Trịnh Quốc Vũ, Vụ trưởng Vụ Khoa học - Công nghệ và Tiết kiệm năng lượng, Tổng cục Năng lượng, Bộ Công Thương chia sẻ, chương trình Mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2011 - 2015 đã thu được những kết quả tích cực.

Trong đó, với việc áp dụng Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, các rào cản đã cơ bản được gỡ bỏ, các chương trình truyền thông về tiết kiệm năng lượng được đẩy mạnh, hàng trăm dự án, nhiệm vụ được triển khai sâu rộng,… đã có tác động tích cực tới người dân, cộng đồng, tạo thói quen thực hiện tiết kiệm năng lượng một cách tự giác.

Thời gian tới, Tổng Cục Năng lượng sẽ phối hợp với Hội Khoa học Công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam, các chuyên gia đầu ngành về năng lượng tiếp tục thực hiện các chương trình tiết kiệm năng lượng. Trong đó, tham gia đào tạo hệ thống cán bộ kiểm toán năng lượng, xây dựng và triển khai các cơ chế tài chính hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, đồng thời tham mưu với các cơ quan quản lý nhà nước về chính sách thúc đẩy các hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại Việt Nam.

Giải quyết khó khăn cho từng nhóm khách hàng

Theo ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP. HCM, do mỗi nhóm đối tượng sử dụng năng lượng có mục đích khác nhau trong việc tiết giảm năng lượng, nên phương thức hành động tiết kiệm năng lượng cũng khác nhau.

Ví dụ, DN phải đổi mới công nghệ, thay đổi phương án sản xuất vì áp lực hiệu quả kinh doanh và nâng cao vị thế cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường để giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm. Tuy nhiên, họ đang gặp rào cản lớn là khó khăn về tài chính. Do đó, DN rất cần chính sách hỗ trợ với cơ chế rõ ràng, minh bạch, từ việc tư vấn giải pháp thay thế phù hợp, tính toán hiệu quả đầu tư thiết bị và nguồn vốn vay ưu đãi.

Còn hộ gia đình, hóa đơn tiền điện ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của mỗi nhà, vì vậy hướng dẫn người dân cách lựa chọn và sử dụng thiết bị tiêu thụ điện hiệu quả là giải pháp tốt nhất.

“Theo tôi, cần phải có chính sách khuyến khích, khen thưởng những gương điển hình về sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả để tạo động lực cho người dân”, ông Tước cho hay.

Nhân rộng mô hình tiết kiệm điện

Còn theo ông Nguyễn Phước Đức, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC), các hoạt động truyền thông để nâng cao nhận thức, vận động người dân, doanh nghiệp, cơ quan… tham gia sử dụng điện hiệu quả, tiết kiệm phải được đầu tư hơn nữa cả về chất lượng và số lượng.

Việc giới thiệu, nhân rộng các mô hình tuyên truyền sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả và các loại thiết bị tiết kiệm điện cũng cần phải có sự quan tâm, đầu tư thỏa đáng vào công tác tuyên truyền, vì không có hình thức tuyên truyền nào hiệu quả bằng việc được tận mắt nhìn thấy việc triển khai thành công trong thực tế.

Ví dụ, tại miền Nam, từ năm 2013, chúng tôi bắt đầu thực hiện chương trình “Ấp văn hóa - Khu phố văn hóa tiết kiệm điện”. Ban đầu, chỉ có 523 ấp, khu phố và 210.473 hộ gia đình tham gia. Đến năm 2015, số lượng ấp, khu phố tham gia đã tăng lên 872, số gia đình là 366.710 hộ.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng xây dựng những giải pháp tiết kiệm điện cụ thể cho từng nhóm khách hàng cụ thể để giúp họ thực hiện sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.

Tiết kiệm “hầu bao” cho chính mình

Ông Nguyễn Bảo, người dân quận Ba Đình, Hà Nội chia sẻ, “Cách sử dụng điện, nước hay kể cả tiền bạc như thế nào là phụ thuộc vào ý thức của mỗi người, vào nền nếp, cách giáo dục của mỗi gia đình. Bản thân tôi luôn nhắc nhở các con, cách cháu chỉ nên sử dụng vừa đủ, không được lãng phí vì tiết kiệm là tốt cho chính nhà mình.

Để hình thành thói quen tiết kiệm điện thì phải rèn giũa cho các con từ nhỏ, chính những người lớn cũng phải gương mẫu, nói được làm được.

Vì vậy, trong nhà tôi, từ cháu nhỏ đến người lớn đều “thuộc lòng” bài tắt đèn, quạt, máy điều hòa hay các thiết bị điện khác khi rời khỏi phòng. Không chỉ là tiết kiệm tiền bạc cho gia đình mà còn giúp con cháu học được cách sống văn minh, văn hóa.

Một số kết quả từ Chương trình Mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2011 - 2015:

- Tiết kiệm điện được khoảng 1 tỷ kWh/năm, tương đương 1.600 tỷ đồng.

- Gần 700 doanh nghiệp được hỗ trợ kiểm toán năng lượng.

- Trên 10 nghìn mẫu sản phẩm, thuộc 15 nhóm sản phẩm mục tiêu đã được dán nhãn tiết kiệm năng lượng.

- Trên 700 nghìn giàn nước nóng năng lượng mặt trời được lắp đặt trên cả nước.

Sản lượng điện tiết kiệm trên cả nước giai đoạn 2011-2015:

Khu vực

Sản lượng điện tiết kiệm (tỷ kWh)

Bình quân 1 năm (triệu kWh)

Miền Bắc

2,85

570

Miền Trung

0,99

198

Miền Nam

4,55

911

Hà Nội

1,20

240

TP.HCM

2,88

457

Tổng cộng

11,88

2.377


  • 16/07/2016 08:45
  • Theo: vietnamnet.vn
  • 5813