Người người, nhà nhà...tiết kiệm điện

Hơn 85% dân số Việt Nam biết và được tiếp cận lĩnh vực tiết kiệm năng lượng (TKNL) thông qua mạng lưới truyền thông. Đó là con số ấn tượng được đưa ra tại Hội nghị Tổng kết 5 năm thực thi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả vừa qua. Thế giới điện đã trao đổi với người dân một số địa phương về việc áp dụng các kiến thức này vào cuộc sống hàng ngày như thế nào.

Ông Nguyễn Văn Ngợi  (thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình):
Tận dụng giờ thấp điểm

Ngoài các thiết bị điện thiết yếu phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt, gia đình tôi còn sử dụng điện bơm nước tưới vườn cam hơn 1 ha. Nhờ biết tận dụng giá điện giờ thấp điểm, trung bình hàng tháng, gia đình tôi chỉ tốn khoảng 700.000 - 800.000 đồng tiền điện; tháng cao nhất, hoặc mùa hè sử dụng thêm điều hòa nhiệt độ, tiền điện của gia đình cũng chỉ dao động từ 1 - 1,1 triệu đồng/tháng.
Thực ra, tiết kiệm điện không khó, mỗi người chỉ cần để ý một chút, sẽ có hiệu quả tức thì. Với gia đình tôi, việc bơm nước tưới cam luôn được thực hiện vào những giờ thấp điểm. Khi đó, nguồn điện ổn định, bơm nước vừa nhanh, vừa tiết kiệm điện.

Ngoài ra, tôi luôn nhắc nhở mọi thành viên trong gia đình phải thực hiện đúng nguyên tắc “Tắt khi không sử dụng” và tắt triệt để từ nguồn chứ không chỉ tắt bằng điều khiển từ xa. Đặc biệt, vào mùa hè, nhà tôi chỉ bật điều hòa ở 1 phòng sinh hoạt chung, cả gia đình quây quần cùng xem ti vi, vừa vui, vừa tiết kiệm điện.

 

Ông Vũ Văn Khiển (xã Cửu Cao, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên):
Tôi đã biết cách sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả

Tôi nghĩ, ai cũng muốn tiết kiệm điện, vì lãng phí điện cũng là lãng phí tiền túi của chính mình. Vấn đề là ở chỗ, mọi người đã biết cách tiết kiệm điện hiệu quả hay chưa.
Ví dụ gia đình tôi, trước đây, kinh tế còn khó khăn, để tiết kiệm, tôi hạn chế sử dụng các thiết bị điện đến mức tối đa. Tuy nhiên, những năm gần đây, kinh tế gia đình khấm khá hơn, thiết bị điện trong gia đình cũng nhiều hơn, việc sử dụng điện không còn hạn chế như trước. Do đó, hóa đơn tiền điện hàng tháng khá cao. Tuy nhiên, được sự hướng dẫn của nhân viên ngành Điện, gia đình tôi đã biết cách sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả. Cụ thể, chỉ cắm cơm 30-45 phút trước khi ăn; khi tắt các thiết bị điện tắt cả nguồn, không để ở chế độ chờ; điều hòa chỉ bật ở 27-28 độ C... Đặc biệt, nhà tôi còn sử dụng bình nước nóng năng lượng mặt trời. Nhờ vậy, hóa đơn tiền điện hàng tháng giảm đáng kể.

Anh Nguyễn Văn Lâm (Xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội):
Vận động cộng đồng cùng TKNL

Khi còn là sinh viên khoa Quản lý năng lượng, Trường Đại học Điện lực, tôi đã thường xuyên tham gia các hoạt động trong lĩnh vực tuyên truyền tiết kiệm điện, tiết kiệm nước... và tôi hiểu rằng, TKNL không phải là trách nhiệm của một cá nhân, một tập thể mà của toàn xã hội. Chính vì vậy, không chỉ tiết kiệm điện ở gia đình, cơ quan, tôi còn nhắc nhở, giới thiệu với người thân, bạn bè, đồng nghiệp... cách TKNL.
Trong đó, tôi tâm đắc nhất là thiết kế Bộ lịch Tiết kiệm điện. Thay vì những bức tranh phong cảnh, sẽ giới thiệu các thiết bị điện kèm hướng dẫn sử dụng điện tiết kiệm trên các tờ lịch. Mỗi tháng, mỗi mùa sẽ ứng với từng thiết bị phù hợp như: Mùa hè là các thiết bị điều hòa, tủ lạnh, quạt điện; mùa đông là các thiết bị như bình nước nóng, máy sưởi... Mỗi khi nhìn lịch, người dân sẽ thấy được những chỉ dẫn dễ hiểu, dễ làm và rất cụ thể  để tiết kiệm điện. Hay ý tưởng “Nhãn tiết kiệm năng lượng”: Dán các chỉ dẫn tiết kiệm điện lên các thiết bị điện, giúp người dân lưu ý trong quá trình sử dụng... Những ý tưởng này đã đoạt giải Khuyến khích tại cuộc thi Tuổi trẻ với sáng kiến vì môi trường bền vững năm 2014 và sẽ được sử dụng tuyên truyền về TKNL.

 

Em Nguyễn Bảo Tuyết Nhi (học sinh Trường Tiểu học Bình Chiểu, quận Thủ Đức, TP.HCM):
Con đã biết cách tiết kiệm điện, nước

Ở trường học của con, không chỉ các cô giáo hướng dẫn cách tiết kiệm điện, tiết kiệm nước, mà còn có các cô, chú của ngành Điện, các anh chị sinh viên đến tổ chức các chương trình, cuộc thi tìm hiểu về TKNL như: Trường Tiểu học tiết kiệm điện; Giải cứu năng lượng...
Nhờ đó, con đã hiểu được tầm quan trọng của các nguồn năng lượng và ý nghĩa của việc TKNL trong cuộc sống hằng ngày. Giờ đây, con đã biết tắt đèn sau khi học bài xong; tắt máy tính sau khi chơi game; ra khỏi phòng phải tắt hết các thiết bị điện; tiết kiệm nước khi rửa mặt, đánh răng; không mở cửa tủ lạnh quá lâu... Ngoài ra, con còn hướng dẫn, dạy các em nhỏ thực hiện tiết kiệm điện, tiết kiệm nước...

Sản lượng điện tiết kiệm cả nước giai đoạn 2011-2015

Năm

Sản lượng điện tiết kiệm (tỷ kWh)

% so với điện thương phẩm

2011

1,31

1,42

2012

1,67

1,5

2013

2,62

2,3

2014

2,8

2,23

Dự kiến 2015

2,45

2,26

 
 

TS. Hoàng Tiến Dũng - Viện trưởng Viện Năng lượng: Những năm qua, hoạt động truyền thông về TKNL, đặc biệt là tiết kiệm điện đã được triển khai sâu rộng, có hiệu quả trên địa bàn cả nước, từ thành phố, đồng bằng đến cả vùng sâu, vùng xa. Các thông tin, chỉ dẫn được thể hiện một cách dễ hiểu, dễ tiếp thu và dễ làm theo. Nhìn chung, tuyên truyền TKNL đối với người dân, hộ gia đình đang phát huy hiệu quả cao.

 


  • 26/10/2015 09:49
  • Theo Tạp chí Điện lực chuyên đề Thế giới Điện
  • 4154


Gửi nhận xét