Sử dụng hiệu quả năng lượng trong ngành Công nghiệp nặng: Sẽ có nhiều cơ chế

Sử dụng hiệu quả năng lượng nói chung và trong ngành Công nghiệp nặng nói riêng luôn là đề tài mang tính thời sự. Thế giới điện đã gặp gỡ, trao đổi với các nhà quản lý và chuyên gia về vấn đề này.

Ông Trịnh Quốc Vũ - Vụ Trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng (TKNL), Tổng cục Năng lượng, Bộ Công Thương: Sẽ ban hành định mức tiêu hao năng lượng cho từng ngành

Từ năm 2006 đến nay, Chương trình Mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả đã có nhiều hoạt động về đào tạo, nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, do kinh phí có hạn, nên Chương trình chủ yếu tập trung vào các dự án điển hình, mang tính chất “trình diễn” để các DN khác học tập, áp dụng.  
 
Trên thực tế, việc sử dụng năng lượng trong các ngành, lĩnh vực nói chung và sản xuất công nghiệp nói riêng vẫn còn lãng phí. Để sản xuất ra cùng 1 sản phẩm, ngành Công nghiệp Việt Nam cần sử dụng năng lượng nhiều hơn từ 1,3 - 1,5 lần so với các nước trong khu vực và thế giới. Thời gian tới, nhằm đưa hoạt động TKNL đi vào chiều sâu, mang lại hiệu quả thiết thực, Bộ Công Thương sẽ cập nhật số liệu về mức tiêu hao của các ngành công nghiệp, đặc biệt là các ngành công nghiệp trọng điểm, tiêu hao nhiều năng lượng. Từ đó, ban hành định mức tiêu hao năng lượng cho từng ngành cụ thể.
 
Bộ Công Thương cũng có nhiều chương trình hỗ trợ các DN triển khai các giải pháp TKNL. Hiện Bộ đang phối hợp với Ngân hàng Thế giới xây dựng Quỹ ưu đãi với quy mô hơn 200 triệu USD, nhằm hỗ trợ các DN đầu tư, thay đổi công nghệ TKNL. Dự kiến, Quỹ ưu đãi sẽ đi vào hoạt động từ năm 2016. Ngoài ra, Quỹ đầu tư xanh trực thuộc Dự án “Chuyển hóa carbon thấp trong lĩnh vực TKNL” đã đi vào vận hành, hỗ trợ tới 50% vốn cho các DN vừa và nhỏ và có cơ chế thưởng tới 30% khoản vay nếu DN thực hiện tốt các giải pháp TKNL. 
 

Ông Huỳnh Kim Tước - Giám đốc Trung tâm TKNL TP.HCM:Nhà nước cần có biện pháp hỗ trợ

Bên cạnh công nghệ quá cũ, lạc hậu, tiêu hao nhiều năng lượng, việc quản lý quy trình vận hành thiết bị cũng là vấn đề. Rất nhiều DN cứ mỗi lần vận hành là bật 100% máy, dù cần thiết hay không. Công nghệ vốn đã cũ, quy trình vận hành lại không khoa học nên lãng phí là điều khó tránh.
 
Những năm qua, thông tin về TKNL chủ yếu được các đơn vị tiếp thu dựa trên hoạt động hỗ trợ, truyền thông của Nhà nước. Khi chúng ta chưa hiểu về TKNL, việc đẩy mạnh hoạt động truyền thông là đúng. Còn hiện nay, khi nhận thức về TKNL đã được nâng cao, chúng ta phải chuyển sang giai đoạn mới, thực hiện chiến lược mới. 
 
Đề nghị Nhà nước có biện pháp hỗ trợ, thúc đẩy để thị trường thiết bị, sản phẩm tiết kiệm năng lượng phát triển lành mạnh, hiệu quả thông qua cơ chế, chính sách ưu đãi. Ngoài ra, đề nghị Nhà nước có những công cụ mang tính cưỡng chế đối với những đơn vị không TKNL. Ưu đãi và cưỡng chế phải được thực hiện quyết liệt, song hành với nhau. 
 
 


  • 24/08/2015 04:20
  • Theo Tạp chí Điện lực - Chuyên đề Thế giới Điện
  • 3193