Bà Nguyễn Thị Thơm, Dương Xá, Gia Lâm, Hà Nội: Tiết kiệm điện bằng việc sử dụng trong những khung giờ giá điện rẻ.
Bà Nguyễn Thị Thơm: Tiết kiệm điện bằng việc sử dụng trong những khung giờ giá điện rẻ.
|
Gia đình tôi có xưởng sản xuất hành phi. Để phục vụ cho công việc, gia đình phải sử dụng nhiều thiết bị điện như máy rửa hành, máy thái hành, máy phi hành hay quạt gió... đều là những thiết bị cần phải sử dụng điện hàng ngày. Nếu muốn thu lợi nhuận, tôi chỉ còn cách tiết kiệm chi phí kinh doanh, trong đó, chi phí tiền điện là chủ yếu và dễ tiết kiệm nhất. Chính vì vậy, tôi rất chú ý tới khung giờ giá điện, hạn chế sử dụng điện để làm hàng vào giờ cao điểm (từ 9h30 - 11h30 và từ 17h - 20h trong ngày).
Tôi có in các khung giờ giá điện cao và giờ giá điện thấp ra những tờ giấy A4, sau đó dán lên tường. Nhờ đó, các thành viên đều biết và áp dụng. Theo đó, gia đình tôi chủ yếu sản xuất hành trong những khung giờ giá điện rẻ: Lúc sáng sớm hoặc tối muộn để tiết kiệm chi phí.
Ngoài ra, hệ thống đèn chiếu sáng của gia đình được quán triệt chỉ được bật khi cần thiết, chỉ chiếu sáng tại các bộ phận và vị trí đang có người làm việc. Tôi luôn tận dụng tối đa ánh sáng và thông gió tự nhiên, tắt bớt đèn chiếu sáng khi số người làm việc trong phòng giảm. Nhờ những biện pháp trên, chi phí tiền điện đã giảm, việc kinh doanh của gia đình tôi cũng thuận lợi hơn.
Bạn Nguyễn Huyền Trang: Rút dây cắm khi không sử dụng: Hành động nhỏ, ý nghĩa lớn.
|
Bạn Nguyễn Huyền Trang, Sinh viên năm cuối trường Đại học sư phạm: Rút dây cắm khi không sử dụng: Hành động nhỏ, ý nghĩa lớn.
Là sinh viên năm cuối, hay phải xa nhà đi thực tập, tôi rất chú trọng tới việc tiết kiệm điện. Bởi tiết kiệm điện cũng là tiết kiệm tiền chi tiêu hàng tháng của tôi. Khi đi thực tập, tôi phải thuê nhà. Chính vì vậy, tôi đặt cho mình mục tiêu tiết kiệm điện bất cứ lúc nào có thể. Tôi thường tắt thiết bị điện khi không có nhu cầu sử dụng.
Ngoài ra, tôi thường xuyên rút dây cắm điện của các thiết bị điện nếu như không dùng. Tôi có tìm hiểu trên mạng về các cách tiết kiệm điện và tôi biết ngoài việc tắt thiết bị, những lúc không sử dụng cần phải rút dây cắm.
Khi dây vẫn cắm vào ổ điện thì vẫn có một nguồn điện nhỏ chạy qua, gây tiêu hao năng lượng. Nếu bạn để các thiết bị điện tử và dây sạc cắm vào khi bạn không sử dụng thì điều này có thể chiếm tới 10% năng lượng sử dụng trong nhà. Hiểu được ý nghĩa của việc rút dây cắm, tôi thấy việc tiết kiệm điện mùa hè cũng không quá khó, nhất là với các sinh viên xa nhà như chúng tôi.
Bà Nguyễn Lan Hương, Khâm Thiên, Hà Nội: Tiết kiệm điện bằng các thiết bị công nghệ mới
Bà Nguyễn Lan Hương: Tiết kiệm điện bằng các thiết bị công nghệ mới
|
Gia đình tôi mới xây xong nhà mới. Để tiết kiệm điện cho mùa hè này cũng như các mùa hè sau nữa, trong khâu thiết kế, gia đình tôi đã thay các cửa sổ gỗ bằng hệ thống cửa kính. Nhờ vậy, vào ban ngày, tôi có thể lấy ánh sáng từ bên ngoài vào nhà mà không phải bật điện. Các thành viên trong gia đình tôi rất thích thú khi được hưởng ánh sáng tự nhiên.
Ngoài ra, tôi đã thay toàn bộ thiết bị trong nhà bằng các thiết bị tiết kiệm điện, có dán nhãn năng lượng của Bộ Công thương: Bóng đèn LED tiết kiệm điện, điều hòa inverter và tủ lạnh inverter tiết kiệm điện. Tuy chi phí đầu tư ban đầu hơi cao nhưng tôi nghĩ với những sản phẩm tiết kiệm điện như vậy sẽ giúp gia đình tiết kiệm từ 30 - 40% tiền điện hàng tháng.
Tôi nghĩ đầu tư những công nghệ mới tiết kiệm điện năng, việc tiết kiệm điện mùa hè này sẽ không quá khó khăn.
Ngoài ra, để tiết kiệm, tất cả thành viên trong gia đình chỉ bật điều hòa ở một phòng chung, thay vì mỗi phòng một điều hòa riêng biệt. Nhờ vậy, tiền điện của gia đình tôi tháng vừa qua cũng chỉ hơn 500 nghìn đồng.