Ông Lê Thanh Tâm - Giám đốc Trung tâm Tư vấn Công nghiệp và TKNL Thừa Thiên - Huế (ECC Thừa Thiên - Huế): Khó vì thiếu vốn và nhân lực.
ECC Thừa Thiên Huế có 15 CBCNV, trong đó có 6 cán bộ chuyên trách lĩnh vực TKNL. Trung tâm có đủ kỹ sư chuyên ngành Điện, nhưng lại thiếu cán bộ chuyên về hệ thống nhiệt, lò hơi... Chính vì vậy, có những dự án chúng tôi phải thuê kỹ sư ngoài. Với nguồn lực tài chính có hạn, Trung tâm chưa thể tuyển thêm nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực có trình độ cao.
Không chỉ có vậy, là đơn vị sự nghiệp có thu, Trung tâm phải tự hạch toán thu chi nên rất khó hoạt động vì thiếu vốn. Không có sự hỗ trợ từ ngân sách, “nguồn sống” của Trung tâm chủ yếu dựa vào các hoạt động tư vấn công nghiệp và thương mại, đầu tư. Để hoạt động TKNL thực sự mang lại hiệu quả thiết thực, theo tôi, các Trung tâm TKNL phải được đầu tư nâng cấp, đủ khả năng đáp ứng yêu cầu thực tiễn và đồng hành cùng doanh nghiệp, được đoanh nghiệp tin tưởng. Muốn vậy, rất cần sự hỗ trợ từ Bộ Công Thương, từ chính quyền cấp tỉnh trong việc tham vấn, phản biện, kêu gọi đầu tư, hỗ trợ vốn...
Ông Đào Sỹ Thanh - Giám đốc Trung tâm TKNL và Sản xuất sạch hơn Hải Phòng: Nhiều giải pháp chưa sát với thực tế của doanh nghiệp
Hiện nay, chất lượng tư vấn của nhiều đơn vị hoạt động trong lĩnh vực TKNL còn yếu, các giải pháp đưa ra còn thiếu tính khả thi và chưa sát với thực tế của từng doanh nghiệp. Điều này làm ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động chung của các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực này.
Điều đáng nói, Nhà nước lại chưa có hướng dẫn cụ thể về việc xây dựng định mức đơn giá cho hoạt động kiểm toán năng lượng, nên các trung tâm TKNL không có cơ sở xây dựng dự toán cho các doanh nghiệp được kiểm toán năng lượng. Vì vậy, nguồn thu từ hoạt động này cũng gặp khó khăn. Cùng với đó, nguồn kinh phí ngân sách cho hoạt động TKNL còn hạn hẹp, nên các đơn vị đã khó lại càng khó hơn.
Ông Võ Hữu Thiện - Giám đốc Trung tâm TKNL Tiền Giang (ECC Tiền Giang): Khó vì thiếu vốn
Nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả thường cấp trễ và không đủ duy trì hoạt động, nên ECC Tiền Giang cũng như các Trung tâm TKNL khác gặp rất nhiều khó khăn khi triển khai công việc.
Hiện ECC Tiền Giang đang rất muốn mở rộng, tăng cường các hoạt động ứng dụng khoa học công nghệ cao, tập trung vào các giải pháp kỹ thuật, công nghệ giúp các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng năng lượng tiết kiệm, giảm chi phí.
Tuy nhiên, cái khó ở đây là nguồn lực tài chính chưa cho phép. Hiện Trung tâm có 12 CBCNV, trong đó 10 kĩ sư chuyên ngành về điện, nhiệt. Số lượng CBCNV này về cơ bản đã đáp ứng được các yêu cầu hiện tại, nhưng nếu mở rộng quy mô hoạt động, chúng tôi cần tăng cường thêm nhân lực. Để làm được điều đó, vốn đang là vấn đề nan giải nhất mà ECC Tiền Giang phải đối mặt.
Ông Đào Hồng Thái - Giám đốc Trung tâm TKNL Hà Nội (ECC Hà Nội): Phải tạo được lòng tin của doanh nghiệp
Bên cạnh các hoạt động tuyên truyền, ECC Hà Nội đã đi sâu vào các hoạt động kiểm toán năng lượng, hỗ trợ các tòa nhà, các doanh nghiệp sản xuất ứng dụng hiệu quả các giải pháp TKNL.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đã đạt được, ECC Hà Nội cũng gặp không ít thử thách. Do mới thoát khỏi khó khăn trong khủng hoảng kinh tế, nên các doanh nghiệp chưa mặn mà đầu tư các giải pháp, công nghệ TKNL; một số doanh nghiệp đang có kế hoạch, nhưng còn lưỡng lự, chưa quyết đầu tư. Chính vì vậy, điều quan trọng là phải tạo được lòng tin cho các doanh nghiệp, chứng minh cho các doanh nghiệp thấy những giải pháp đó sẽ mang lại hiệu quả thế nào bằng những cam kết, những con số cụ thể về mức năng lượng tiết kiệm, thời gian thu hồi vốn...
Ông Huỳnh Kim Tước - Giám đốc Trung tâm TKNL TP.HCM (ECC HCMC): Phải hiểu đúng bản chất của hoạt động TKNL
Với ECC HCMC, ngay từ đầu Trung tâm đã có một tầm nhìn đúng, đó là xác định bản chất của hoạt động TKNL là tập trung vào đổi mới công nghệ và nâng cao năng lực quản trị. Từ đó, xây dựng các chính sách về tài chính, nhân lực; nắm vững xu hướng của thị trường, đi từng bước từ lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, hạ tầng đô thị đến dịch vụ ESCO... Trung tâm lấy hoạt động tư vấn làm định hướng ban đầu, phù hợp với một đơn vị không có điều kiện đầu tư về hạ tầng, cơ sở vật chất.
Trong quá trình hoạt động, Trung tâm lấy cơ chế thị trường làm động lực, luôn nỗ lực để đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp một cách tốt nhất.
Đặc biệt, xác định con người là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu, trong suốt một thời gian dài, ECC HCMC đã dồn sức, đầu tư nguồn nhân lực đạt đến sự chuyên nghiệp. Nhờ đó, những năm qua, Trung tâm đã tạo ra được những sản phẩm dẫn dắt thị trường trong lĩnh vực TKNL.