Doanh nghiệp nào được bảo lãnh vay vốn tới 50% cho các dự án tiết kiệm năng lượng?

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) trong các ngành sản xuất gạch, gốm sứ, chế biến thực phẩm của Việt Nam sẽ có cơ hội được bảo lãnh vay vốn cho các dự án tiết kiệm năng lượng, thông qua Quỹ tiết kiệm năng lượng của Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam, tietkiemnangluong.vn đã có cuộc trao đổi với ông Jakob Jesperen - Tư vấn Quốc tế, Dự án Chuyển hóa carbon thấp trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng (LCEE) - Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương) vấn đề này.

Ông Jakob Jesperen - Tư vấn Quốc tế, Dự án Chuyển hóa carbon thấp trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng (LCEE) – Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương).

PV: Thưa ông, ông đánh giá thế nào về việc áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng của các DNNVV Việt Nam trong các ngành sản xuất gạch, gốm sứ, chế biến thực phẩm hiện nay?

Ông Jakob Jesperen: Qua khảo sát của LCEE, hiện tỷ lệ các DNNVV trong lĩnh vực này áp dụng giải pháp tiết kiệm năng lượng rất thấp, ví dụ như ngành chế biến thực phẩm, các doanh nghiệp chưa từng áp dụng giải pháp tiết kiệm năng lượng nào chiếm 82,61%, ngành gốm sứ chiếm 92,99%, ngành gạch chiếm 63,39%.

Những doanh nghiệp trong các ngành này nếu có áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng thì cũng chỉ là các giải pháp có chi phí thấp. Các giải pháp tiết kiệm năng lượng toàn diện như: Tái sử dụng năng lượng, thay đổi năng lượng, kiểm soát mật độ, sử dụng các thiết bị có hiệu suất hoạt động tốt chiểm tỷ lệ rất nhỏ. Hiện ngành chế biến thực phẩm chiếm 0,79%, ngành gốm sứ là 2,80% còn ngành gạch có tỷ lệ cao hơn là 11,16% 

PV: Việc Đại sứ quán Đan Mạch lập Quỹ tiết kiệm năng lượng sẽ đem lại những lợi ích gì cho các DNNVV của các ngành này, thưa ông?

Ông Jakob Jesperen: Quỹ tiết kiệm năng lượng là một trong những hoạt động chính của hợp phần 1 - Dự án Chuyển hóa carbon thấp trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng, đây là dự án hỗ trợ chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, giai đoạn 2013-2017, với tổng ngân sách tài trợ trên 11 triệu USD.

Theo đó, Quỹ tiết kiệm năng lượng sẽ giúp các DNNVV trong các ngành sản xuất gạch, gốm sứ, chế biến thực phẩm nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, đẩy mạnh sản xuất sạch và bền vững tại Việt Nam. Từ năm 2009, Đan Mạch bắt đầu hỗ trợ Việt Nam về tiết kiệm năng lượng và trong những năm qua, Đan Mạch thấy rằng, các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực sản xuất sạch ở Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận vốn.

Theo khảo sát của LCEE với các DNNVV về mong muốn được hỗ trợ từ dự án carbon thấp cho thấy, có đến 48% các doanh nghiệp mong muốn được hỗ trợ đầu tư (khoảng 10%), 34% muốn được bảo lãnh khoản vay, 11% mong được miễn phí hoặc giảm chi phí với dịch vụ báo cáo kiểm toán năng lượng và nghiên cứu kỹ thuật, chỉ có rất ít các doanh nghiệp muốn được đi tham quan học tập những mô hình đã thành công.

PV: Vậy các DNNVV này sẽ được hỗ trợ vốn như thế nào khi triển khai các dự án tiết kiệm năng lượng?

Ông Jakob Jesperen: Cụ thể, DNNVV thuộc 3 lĩnh vực gốm sứ, gạch, chế biến thực phẩm nếu có kế hoạch sản xuất sạch, sau khi được Đại sứ quán Đan Mạch thẩm định dự án thì sẽ được Ngân hàng ANZ - đơn vị quản lý quỹ - cấp giấy chứng nhận bảo lãnh tới 50% giá trị vốn vay và có thể dùng giấy này tới vay vốn tại các ngân hàng thương mại. Nếu doanh nghiệp gặp rủi ro trong kinh doanh và không có khả năng trả nợ thì Đại sứ quán Đan Mạch sẽ phải trả số tiền bảo lãnh trên. Mức vay của các DNNVV tối thiểu là 20.000 USD và tối đa là 200.000 USD, còn mức bảo lãnh sẽ là 10.000 USD cho mức tối thiểu và 100.000 USD cho mức tối đa.

Ngoài ra, Quỹ tiết kiệm năng lượng của Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam còn có cơ chế thưởng cho các doanh nghiệp sử dụng tiết kiệm năng lượng. Theo đó, doanh nghiệp sẽ được thưởng từ 10 đến 30% tổng chi phí dự án nếu dự án của doanh nghiệp tiết kiệm được từ 20 đến 50% năng lượng sử dụng  như: giảm tiêu thụ điện năng, giảm CO², giảm nhiên liệu sinh khối...

PV: Xin cảm ơn ông!

Ngày 2/12, Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam và Ngân hàng ANZ Việt Nam đã ký thỏa thuận khung về Ngân hàng Quản lý Quỹ, trong đó Ngân hàng ANZ được ủy nhiệm là Ngân hàng duy nhất nắm giữ Quỹ tiết kiệm năng lượng của Đại sứ quán Đan Mạch với giá trị là 6,5 triệu USD.

 


  • 10/12/2014 03:50
  • Ngọc Tuấn (thực hiện)
  • 1951