Ông Ichirou Tsubota - Vụ trưởng Vụ Công nghệ Tiết kiệm năng lượng Nhật Bản - Ảnh: Ngọc Tuấn.
|
PV: Xin ông cho biết vì sao Tổ chức phát triển kỹ thuật công nghiệp và năng lượng mới Nhật Bản chọn Bệnh viện Nhân dân 115 - TP.HCM và Bệnh viện Việt Đức - Hà Nội là 2 bệnh viện tham gia thí điểm đầu tư đổi mới công nghệ hệ thống điều hòa không khí tại bệnh viện?
Ông Ichirou Tsubota: Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về chất lượng dịch vụ điều trị, ngoài cố gắng vào đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế, những bệnh viện này còn đầu tư trang bị máy điều hòa không khí cho toàn bộ các khu vực khám và điều trị.
Trong giai đoạn từ năm 2002 - 2010, Bệnh viện Nhân dân 115 có số lượng máy điều hòa không khí là 394 máy cục bộ, 2 hệ thống điều hòa trung tâm dùng cho phòng mổ và một hệ thống điều hòa trung tâm dành cho khu khám bệnh. Việc đầu tư này đã dẫn đến chi phí năng lượng của bệnh viện tăng. Năm 2013, số liệu tiêu thụ điện của bệnh viện là trên 8,6 triệu kWh điện, tương đương với chi phí tiền điện là 12 tỷ đồng.
Để đáp ứng nhu cầu tiện nghi về nới điều trị cho bệnh nhân, Bệnh viện Việt Đức đã trang bị 538 máy điều hòa không khí. Năm 2013, tổng điện năng tiêu thụ trên 5,8 triệu kWh điện, tương đương với chi phí gần 8,4 tỷ đồng.
Và theo số liệu kiểm toán năng lượng của nhiều bệnh viện do Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP.HCM thực hiện năm 2013, tỷ lệ điện năng tiêu thụ cho máy điều hòa không khí chiếm đến 38% tổng điện năng tiêu thụ của toàn bệnh viện. Đây chính là lý do chúng tôi lựa chọn 2 bệnh viện trên để tham gia thí điểm đầu tư đổi mới công nghệ cho hệ thống điều hòa không khí tại bệnh viện nhằm thúc đẩy xây dựng bện viện xanh thông qua nâng cao sử dụng năng lượng hiệu quả.
PV: Việc đầu tư đổi mới công nghệ cho hệ thống điều hòa không khí tại bệnh viện sẽ giúp tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm hóa đơn tiền điện trong bệnh viện như thế nào, thưa ông?
Ông Ichirou Tsubota: Qua khảo sát thực tế của Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP.HCM tại 2 bệnh viện là Bệnh viện Nhân dân 115 - TP.HCM và Bệnh viện Việt Đức - Hà Nội (2 bệnh viện tham gia làm thí điểm) nhận thấy, hiện trạng sử dụng sử dụng điều hòa tại đây hầu hết các máy hiện có là máy thế hệ công nghệ cũ, không có inverter với hiệu suất máy lạnh thấp, các máy trong tình trạng máy cũ với tuổi thọ trung bình máy trên 6 năm.
Ngoài ra, công suất lạnh của các máy điều hòa không khí hiện tại không đủ đáp ứng nhu cầu điều hòa không khí của các phòng bệnh khiến các bệnh nhân phải vừa bật máy vừa mở cửa sổ. Những điều này gây tổn hao năng lượng rất lớn cho hệ thống điều hòa không khí của bệnh viện, nguồn không khí trong lành cũng bị hạn chế.
Do vậy, việc đầu tư đổi mới công nghệ cho hệ thống điều hòa không khí hiện hữu bằng công nghệ điều hòa inverter sẽ giúp các bệnh viện tiết kiệm được 35% chi phí điện năng sử dụng và góp phần cải thiện môi trường không khí xanh sạch trong bệnh viện.
PV: Ông có thể cho biết ưu điểm nổi bật về công nghệ của dự án này là gì?
Ông Ichirou Tsubota: Hệ thống các thiết bị được đề xuất đầu tư, cải tạo tại bệnh viện có đặc tính như: Máy điều hòa có tích hợp inverter, hệ số sử dụng năng lượng ở mức phụ tải cao (100% phụ tải lạnh), tích hợp bộ EMS nhằm điều khiển tối ưu công suất điện của máy theo phụ tải lạnh.
Hệ thống Quản lý năng lượng thông minh (EMS) giúp điều khiển hoạt động máy điều hòa không khí và quản lý năng lượng tiêu thụ như: Điều khiển tắt mở, điều khiển động cơ máy nén của các máy điều hòa không khí trong phòng theo nhiệt độ trong phòng và ngoài trời. Các thông số vận hành, biểu đồ thể hiện năng lượng tiêu thụ tại các thời điểm trong ngày được lưu lại giúp việc quản lý dễ dàng hơn. Hệ thống thông gió lắp tại các phòng bệnh đông bệnh nhân, sẽ giúp làm mát gió tươi (gió thiên nhiên) nhằm làm giảm năng lượng tiêu thụ cho máy điều hòa không khí.
PV: Ngoài hiệu quả kinh tế, ông đánh giá thế nào về ý nghĩa xã hội của Dự án?
Ông Ichirou Tsubota: Việc cung cấp cho 2 bệnh viện các hệ thống thiết bị công nghệ mới nhằm mục tiêu tiết kiệm điện năng tiêu thụ tại bệnh viện cũng là việc làm thiết thực hưởng ứng phong trào tiết kiệm điện của Chính phủ. Dự án cũng góp phần giảm phát thải khí nhà kính CO², đưa bệnh viện hướng đến xu hướng xanh trong tương lai.
Ngoài ra, một nội dung khác của dự án là trình diễn công nghệ xử lý môi chất lạnh từ các máy điều hòa không khí cũ được thay thế và không còn khả năng tái sử dụng. Hành động này có ý nghĩa quan trọng, góp phần xử lý triệt để các chất có tiềm năng cao làm nóng trái đất và gây biến đổi khí hậu.
PV: Ông nghĩ sao về khả năng nhân rộng của mô hình này cho các bệnh viện khác tại Việt Nam sẽ thực hiện được?
Ông Ichirou Tsubota: Với mô hình thiết bị hiện đại đầu tư tại 2 bệnh viện, sau hơn 1 năm được triển khai, nếu kết quả thu được như mong muốn sẽ là minh chứng sinh động nhất về hiệu quả dự án. Từ đó, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để nhân rộng mô hình cho các bệnh viện khác tại Việt Nam.
PV: Xin cảm ông!
Công nghệ inverter
Inverter theo nghĩa tiếng Việt là biến tần,
Sử dụng mạch điện tử để biến đổi điện áp, dòng điện và tần số, để đạt được công suất đầu ra của động cơ chính xác như phụ tải yêu cầu.
Hiện đã sử dụng rất rộng rãi trong công nghiệp sản xuất và đặc biệt là trong công nghệ sản xuất tự động hoá, điều khiển điện tử.
Khi ứng dụng vào lĩnh vực sản xuất máy lạnh thì mạch điện tử có tác dụng kiểm soát tốc độ vòng quay của máy nén dẫn đến kiểm soát được áp suất gas trong hệ thống một cách liên tục và chính xác dẫn đến kiểm soát được công suất của điều hoà.
|