Ông Nguyễn Văn Hợp, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC) đã trao đổi với phóng viên về chương trình này.
Ông Nguyễn Văn Hợp
|
Phóng viên (PV): Thưa ông, việc bà con nông dân sử dụng đèn sợi đốt để chiếu sáng, kích thích cây thanh long ra hoa trái vụ khu vực phía Nam hiện ra sao?
Ông Nguyễn Văn Hợp: Trong 2 năm qua, diện tích trồng thanh long khu vực phía Nam tăng nhanh, làm nhu cầu sử dụng điện để chong thanh long tăng đột biến. Theo số liệu khảo sát của các công ty điện lực trực thuộc EVN SPC, đến tháng 12/2013, có khoảng 6 triệu bóng đèn sợi đốt loại 60W sử dụng trong chiếu sáng cây thanh long nhằm kích thích cây ra hoa trái vụ, trong đó, tỉnh Bình Thuận 4,2 triệu bóng, tỉnhTiền Giang 1,023 triệu bóng, tỉnh Long An 800.000 bóng.
Tính riêng trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, năm 2013, trước thời điểm chong đèn, nhu cầu sử dụng điện khoảng 160 MW, thì bước vào mùa vụ chong đèn (từ cuối tháng 8 năm trước đến hết tháng 4 năm sau) nhu cầu công suất đã lên tới 370 MW.
Theo tính toán của Công ty Điện lực Bình Thuận, nhu cầu công suất đỉnh năm 2014 trên địa bàn trong mùa vụ chong đèn thanh long sẽ lên đến 408 MW do diện tích trồng thanh long vẫn tăng liên tục, dự kiến năm 2014 tăng thêm khoảng 2.000 héc ta.
PV: Điều này có gây khó khăn gì cho công tác cung ứng điện của EVN SPC không, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Hợp: Công tác cung ứng điện cho phụ tải vùng trồng thanh long các năm qua gặp nhiều khó khăn do phát triển quá nhanh, vượt xa quy hoạch tổng thể. Hiện cũng chưa có quy hoạch chi tiết vùng trồng thanh long, gây khó khăn trong dự báo phụ tải, dẫn đến bị động trong đầu tư hệ thống lưới điện và bố trí vốn đầu tư nâng cấp hệ thống lưới điện phân phối 22 kV đến lưới điện truyền tải 110 kV, 220 kV.
Mặt khác, đèn tròn sợi đốt người dân sử dụng tiêu hao điện năng cao cũng không phù hợp với mục tiêu sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Vì thế, chương trình thay đèn sợi đốt bằng đèn compact do EVN SPC triển khai chính là một trong những giải pháp lâu dài cho “bài toán” cung ứng điện và tiết kiệm điện ở các địa phương trồng thanh long.
PV:Khi triển khai chương trình, EVN SPC xác định khó khăn lớn nhất là gì?
Ông Nguyễn Văn Hợp: Đó là khuyến khích các hộ dân dùng đèn sợi đốt chuyển đổi sang dùng đèn compact. Dù đã có các giải pháp tuyên truyền nhân rộng mô hình sử dụng đèn compact chong thanh long, thực tế bà con nông dân đã áp dụng thành công, nhưng vẫn còn nhiều hộ dân giữ tập quán canh tác cũ và còn đắn đo về hiệu quả dùng đèn compact thay đèn sợi đốt.
Giá đèn compact còn cao, đối với mỗi hộ dân, số bóng đèn phải sử dụng chong thanh long từ hàng trăm cho đến vài ngàn bóng. Với giá bóng đèn compact như hiện nay là 36.000 - 40.000 đồng/bóng 20 W thì bình quân mỗi hộ phải chi phí vài chục triệu đồng, trong khi đó nếu sử dụng bóng đèn sợi đốt thì chi phí đầu tư ban đầu giảm đi rất nhiều.
Tuy nhiên, nếu tính về lâu dài, việc sử dụng đèn compact lại giúp các hộ dân tiết kiệm một khoản chi phí lớn khi trả tiền điện, giúp giảm giá thành sản phẩm và nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.
PV: Được biết EVN SPC đã lựa chọn bóng đèn compact của Công ty CP Bóng đèn Điện Quang và Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông để hỗ trợ nông dân trồng thanh long. Tại sao không phải một thương hiệu khác?
Ông Nguyễn Văn Hợp: Qua nghiên cứu thử nghiệm về sử dụng đèn tiết kiệm điện thay thế đèn sợi đốt cho thanh long do các trung tâm nghiên cứu cây ăn quả có uy tín thực hiện, cũng như những ý kiến đánh giá của Sở Công Thương và Hội nông dân các tỉnh Bình Thuận, Tiền Giang, Long An, các loại đèn compact chống ẩm của nhà cung cấp Điện Quang và Rạng Đông được chứng nhận là đạt yêu cầu và khuyến khích dùng để chong thanh long.
Ngoài ra, hai đơn vị này có năng lực cung cấp đèn theo yêu cầu của Dự án, sản phẩm đèn đã được bà con nông dân tin dùng. Đồng thời, Rạng Đông và Điện Quang cũng sẵn sàng thực hiện cơ chế hỗ trợ các hộ dân qua hình thức thanh toán trả chậm và giảm hơn 10% giá bán so với quy định (đã có VAT) thực tế bán trên thị trường.
PV: Xin cảm ơn ông!
Hiệu quả kinh tế của chương trình đối với người dân:
• Khi thay thế 1.000 bóng đèn sợi đốt bằng 1.000 bóng đèn compact tiết kiệm điện (loại 20 W), các hộ nông dân sẽ tiết kiệm được 26.400 kWh điện/năm, tương ứng với 39,6 triệu đồng tiền điện/năm (tính với giá điện là 1.500 đồng/1 kWh).
Hiệu quả với ngành Điện và xã hội nói chung:
• Không phải đầu tư ngay nguồn và lưới điện, nếu tính giá trị đầu tư bình quân 1,3 triệu USD/1 MW thì giảm hoặc giãn thời gian đầu tư công trình điện với giá trị tương đương 73 triệu USD.
• Tính riêng do giãn tiến độ đầu tư trạm 110 kV và đường dây 22 kV thì giá trị tiết kiệm do giảm đầu tư là 5,5 tỷ đồng, cắt giảm 208.000 tấn CO2, góp phần bảo vệ môi trường chung.
|