Điện than ở Việt Nam - nên tiến hay lùi?

Những chuyên gia năng lượng nhiều năm kinh nghiệm của Mỹ và Việt Nam nói gì về xu hướng phát triển điện than ở Việt Nam và thế giới? tietkiemnangluong.vn đã ghi lại một số ý kiến tại hội nghị "Điện than ở Việt Nam - tiến hay lùi trong tiến trình chuyển đổi năng lượng?" do Trung tâm phát triển sáng tạo xanh(Green ID) vừa tổ chức tại Hà Nội.

Ông Tô Quốc Trụ  -   Ảnh: Vương Thủy 

Ông Tô Quốc Trụ - Giám đốc Trung tâm Tư vấn Năng lượng Việt Nam: "Việt Nam không muốn phát triển ngành điện than, nhưng..."

Mặc dù biết rõ rằng việc khai thác và sử dụng các nguồn năng lượng sơ cấp hoá thạch ở các dự án nhà máy nhiệt điện sẽ gây hiệu ứng  nhà kính, làm ô nhiễm môi trường nhưng Quy hoạch điện VII đã được phê duyệt vẫn thể hiện rõ xu hướng phát triển tăng dần các nhà máy nhiệt điện than vì những lý do sau đây:
- Khai thác tiềm năng kinh tế nguồn thuỷ điện ở Việt Nam hiện nay đã tới giới hạn. Theo Quy hoạch điện VII đã được phê duyệt, sau năm 2017 không còn các dự án nhà máy thuỷ điện kể cả thuỷ điện nhỏ được xây dựng nữa ngoại trừ một số  dự án nhà máy thuỷ điện được triển khai tại Lào và Campuchia. Từ năm 2019 Việt Nam phải phát triển 4 dự án nhà máy thuỷ điện tích năng để đến năm 2030 đạt 5700MW bù đắp vào công suất bị thiếu hụt.
- Việt Nam hết sức quan tâm đến phát triển nguồn điện từ năng lượng tái tạo (gió, mặt trời, sinh khối…), tuy nhiên do nhiều nguyên nhân (cơ chế chính sách, giá năng lượng, công nghệ) nên Quyết định phê duyệt Quy hoạch điện VII của Chính phủ chỉ đặt mục tiêu tăng tỷ lệ sản xuất từ nguồn năng lượng này từ mức 3,5% năm 2010 lên 4,5% tổng điện năng sản xuất vào năm 2020  và 6,0% vào năm 2030.
- Các dự án nhà máy điện chạy dầu không được khuyến khích phát triển do giá thành điện cao trong khi các nhà máy điện chạy khí có nhiều khả năng bị chậm tiến độ và chưa có hướng phát triển do hạn chế về nguồn cung.
- Các dự án nhà máy điện hạt nhân (Ninh Thuận I và Ninh Thuận II) cập nhật tại thời điểm này gần như chắc chắn sẽ phải lùi tiến độ vài năm so với đã được quy định tại Quyết định phê duyệt Quy hoạch điện VII là năm 2020 phải đưa vào vận hành thương mại.

Ông Bruice Buckheit - Cố vấn cấp cao của Cơ quan Thực thi và Công lý môi trường Bộ Tư pháp Mỹ

Ông Bruice Buckheit - Ảnh: Vương Thủy

"Giá điện mặt trời sẽ giảm dần bằng giá điện than".

Các tác động của việc đốt than như ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, gây phát thải khí nhà kính, làm trầm trọng hơn hiện tượng biến đổi khí hậu, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe con người... là rất rõ ràng nhưng lại không được nhiều nước quan tâm đến một cách đầy đủ với các thông tin và cơ sở khoa học. Bên cạnh đó, giá than trên thế giới ngày càng tăng.

Ngược lại với giá than, giá năng lượng mặt trời đang có xu hướng giảm. Tôi nghĩ xu hướng trong những năm tới đây giá điện mặt trời sẽ giảm bằng giá than. Nhiều nước phát triển đã trải qua và để lại rất nhiều bài học kinh nghiệm. Chính vì vậy, Việt Nam nên tận dụng những bài học "xương máu" về tác hại của điện than cũng như các xu hướng phát triển điện năng mới để cải thiện, áp dụng, phát triển. Việt Nam nên hạn chế phát triển điện than và hướng tới kết hợp thủy điện, khí gas, điện gió và năng lượng mặt trời.

Tôi có thể lấy ví dụ: Khi trời nhiều nắng sẽ sử dụng điện mặt trời; nếu hết nắng mà nhiều gió, ta có thể sử dụng năng lượng gió; còn khi không có nắng và gió, có thể sử dụng khí gas và thủy điện... Với vị trí địa lý cùng tiềm năng năng lượng tái tạo vô cùng dồi dào, Việt Nam nên nghĩ tới hệ thống sản xuất điện tích hợp như vậy. Hãy bắt đầu bằng những thử nghiệm nhỏ, rồi lấy kinh nghiệm và vận hành sang hướng lớn hơn.

Bà Nicole Ghio - Ảnh Vương Thủy

Bà Nicole Ghio - Đại diện Câu lạc bộ Sierra - Tổ chức chuyên hoạt động vì môi trường Mỹ: "Việt Nam có cơ hội không lặp lại vết xe đổ của Mỹ".

Hiện nay, giá năng lượng tái tạo đang giảm, năng lượng hóa thạch đang tăng. Như vậy, rất mạo hiểm để đầu tư những nhà máy điện than vì không biết giá than sẽ tăng đến mức như thế nào.

Năng lượng mặt trời lại là nguồn nhiên liệu không bao giờ mất và hoàn toàn miễn phí. Việt Nam là quốc gia dồi dào năng lượng tái tạo như vậy, tại sao các bạn không tận dụng?

Ngoài ra, với nguồn năng lượng tái tạo như mặt trời, chúng ta có thể dùng nhiều vào ban ngày, ban đêm khi nhu cầu ít đi, chúng ta có thể tắt bớt máy đi, giúp tiết kiệm hơn nhiều. Trong khi, với các nhà máy điện than, phải luôn luôn hoạt động rất tốn chi phí. Phát triển điện than đã gây thiệt hại hàng trăm tỷ đô la cho chi phí chăm sóc sức khỏe cho người dân Mỹ.

Trong thời gian qua, số lượng nhà máy điện than bị đóng cửa lên đến con số khoảng 200.000 nhà máy. Chính phủ Mỹ đã nhận ra ảnh hưởng của ngành điện than. Còn Việt Nam thì sao?


  • 07/07/2014 02:52
  • Vương Thủy (thực hiện)
  • 2263