Tiết kiệm điện tại khối cơ quan, hành chính sự nghiệp: Góc nhìn của người trong cuộc

Vẫn sử dụng điện cho những công việc riêng, các thiết bị điện thường xuyên không được tắt khi ra khỏi phòng, hết giờ làm việc. Dùng điều hòa tùy tiện, không tận dụng tối đa ánh sáng và thông gió tự nhiên… Đó là những chia sẻ của những cán bộ, công chức nhà nước khi được hỏi về vấn đề tiết kiệm điện tại khối cơ quan, hành chính sự nghiệp.

Lê Phương Thùy, Phóng viên Tạp chí Thể Thao, Tổng cục Thể dục Thể Thao, Bộ VH-TT&DL: "Tư tưởng “điện chùa” còn quá nhiều"

Lẽ ra, cán bộ, công chức là đối tượng cần phải đi đầu, gương mẫu trong tiết kiệm điện. Tuy nhiên, trên thực tế hoàn toàn ngược lại. Đa phần cán bộ, công chức đều có suy nghĩ: Điện, nước ở cơ quan là “của chùa”, việc gì phải tiết kiệm. Bản thân tôi cũng chưa làm tốt việc tiết kiệm điện.

Tiết kiệm điện trong các cơ quan hành chính sự nghiệp không phải là việc dễ dàng, dù Nhà nước, các cấp, các ngành hô hào rất nhiều. Theo tôi, công tác này tốt hay không, tùy thuộc vào sự quản lý của mỗi đơn vị.

 

 

 

Trần Thị Vinh: Cán bộ Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về Trật tự quản lý kinh tế và công vụ - Môi trường, Công an

huyện Chưpăh, tỉnh Gia Lai: “Vẫn còn những chiến sĩ sử dụng điện lãng phí”

Tiết kiệm điện là một việc làm cần thiết, không chỉ mang lại lợi ích cho cơ quan, gia đình mà còn góp phần đảm bảo nguồn năng lượng điện cho cả nước. Tại Công an huyện Chưpăh, trong các cuộc họp giao ban, Đại tá Nguyễn Văn Minh - Trưởng Công an huyện Chưpăh thường xuyên quán triệt, nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ phải sử dụng điện hợp lý, tắt điện ở những khu vực không cần thiết. Mỗi lần đi kiểm tra các văn phòng làm việc hay khu tập thể, nếu phát hiện tập thể hoặc cá nhân nào sử dụng điện lãng phí, đồng chí Minh sẽ trực tiếp nhắc nhở và phê bình ngay trong buổi họp giao ban hằng ngày.

Chính vì vậy, tôi cũng như đa phần cán bộ, chiến sĩ đang công tác tại Công an huyện Chưpăh đều có ý thức sử dụng điện tiết kiệm. Tuy nhiên, không thể nói 100% cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị đều có ý thức tiết kiệm điện, vẫn còn một số cá nhân có suy nghĩ điện cơ quan là “điện chùa”. Nhưng đây là một bộ phận nhỏ và đang được lãnh đạo đơn vị chấn chỉnh, nhắc nhở nhằm nâng cao ý thức thường xuyên sử dụng điện tiết kiệm.

 

Nguyễn Thị Nghĩa – Cán bộ văn phòng UBND quận Hoàn Kiếm: “Cần nhiều hình thức tuyên truyền tiết kiệm điện cho khối cơ quan, hành chính sự nghiệp”

Theo tôi, việc tiết kiệm điện tại đơn vị là ý thức chung, chúng ta cần xây dựng tính tiết kiệm điện bằng những việc rất cụ thể và rất đơn giản như: Tắt các thiết bị điện khi không dùng đến, tận dụng gió, ánh sáng tự nhiên khi làm việc…

Cần tuyên truyền tiết kiệm điện tại đơn vị theo nhiều hình thức như có các buổi sinh hoạt, tọa đàm cho các đoàn viên thanh niên, các bạn trẻ trong cơ quan để họ có ý thức hơn trong việc tiết kiệm điện.

Ngoài ra cần xây dựng quy định về sử dụng điện trong các cơ quan, nghiêm cấm việc nấu ăn trong các phòng làm việc. Nếu cán bộ nào vi phạm các quy định về tiết kiệm điện cần có hình thức xử lý thích đáng để răn đe những người khác, ví dụ như: Trừ lương, trừ thưởng…

 

Huỳnh Minh Đông - Phóng viên Đài truyền hình Đồng Tháp: “Phải cụ thể hóa mức sử dụng năng lượng điện”

Việc tuyên truyền tiết kiệm điện trong khối cơ quan hành chính sự nghiệp cần phải chỉ ra được những hiệu quả mang lại đối với tập thể đơn vị và từng người lao động trong cơ quan. Bởi đây là nhóm các đơn vị tự chủ về tài chính rất cao, nhưng cũng rất ngán ngại phải “bội chi”.

Do vậy, việc làm rõ bài toán kinh tế và ý nghĩa xã hội của việc tiết kiệm điện sẽ mang lại hiệu quả như thế nào đối với đơn vị về lâu dài, như thế sẽ mang lại hiệu quả tuyên truyền cao.

Phải cụ thể hóa mức sử dụng năng lượng điện của từng bộ phận, sau đó lồng ghép vào các hoạt động thi đua của cơ quan. Chú ý phát triển những mô hình, những cách làm, những sáng kiến của các tập thể, những cá nhân để biểu dương và nhân rộng kịp thời.

 

 

Chị Nguyễn Thị Lành – Giáo viên Trường CĐ nghề Cơ giới Ninh Bình: “Hành động đơn giản tắt khi không sử dụng"

Nhằm giảm chi phí tiền điện và nâng cao ý thức tiết kiệm điện tại nơi làm việc của những cán bộ, viên chức trong nhà trường, chúng tôi, đã đưa ra những quy định trong công tác tiết kiệm điện như: Không bật điều hòa khi thời tiết dưới 30 độ C; tắt các thiết bị điện khi không dùng đến hoặc lúc ra về, tận dụng tối đa ánh sáng, gió trời…

Ngoài ra, tại những nơi như khu giảng đường, các phân xưởng thực hành nhà trường cũng đã lắp đặt và sử dụng hệ thống cửa kính thay vì cửa gỗ như trước đây để tăng ánh sáng trong phòng cho các em sinh viên học tập thay bằng việc phải bật điện thường xuyên, thay thế loại bóng điện cũ bằng hệ thống đèn compact, đèn led có tính năng tiết kiệm điện.

Các giáo viên và cán bộ viên chức cũng như học sinh, sinh viên đã có ý thức trong việc tiết kiệm điện như tổ chức ngồi làm việc tập thể để tiết kiệm điện, đồng thời tăng tính đoàn kết, tiết kiệm chi phí cho nhà trường.

 

Ông Võ Công Hiền – Cán bộ văn phòng Công ty Điện lực Gia Lai: “Muốn đưa nhiều mô hình tiết kiệm điện đến công 

chúng”

Là một cán bộ làm việc trong ngành Điện, hơn ai hết tôi ý thức rất rõ việc sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả. Điều đó không chỉ mang lại hiệu quả cho công việc của chúng tôi mà còn mang lại lợi ích cho chính gia đình mình.

Ngoài việc tuân thủ nghiêm các quy định về sử dụng điện tiết kiệm, tôi còn tham gia viết bài, tuyên truyền cho cộng đồng cùng thực hiện. Với cá nhân tôi, việc viết bài, tham gia các cuộc thi không phải vì giải thưởng hoặc tiền nhuận bút, quan trọng là tôi muốn truyền tải đến khách hàng dùng điện những thông tin cần thiết về việc sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả. Đồng thời, qua các cuộc thi tôi có cơ hội giới thiệu các mô hình hay, việc làm tốt, gương điển hình đến đông đảo khách hàng dùng điện.


  • 16/05/2014 11:40
  • Nhóm Phóng viên (thực hiện)
  • 5580