PV: Chúc mừng Mai Anh và Thùy Dương! Cảm xúc của hai bạn khi đội ENERGY vô địch tại bán kết khu vực Đông Á?
Mai Anh: Tôi thực sự bất ngờ, bởi các đội trong vòng thi khu vực đều rất xuất sắc với những ý tưởng đắt giá và có tính khả thi cao. Sau cảm giác sửng sốt là niềm tự hào, vì hai tiếng “Việt Nam” thiêng liêng đã vang lên.
Thùy Dương: Sau sự bất ngờ và vui sướng, tôi hiểu rằng đang có một phần trọng trách ở phía trước và tự dặn mình phải cố gắng hết sức trong vòng thi toàn cầu sắp tới tại Paris. Qua vòng thi khu vực này, tôi và Mai Anh đã học được rất nhiều kinh nghiệm từ các đội bạn để tiếp tục hoàn thiện dự án.
Mai Anh và Thùy Dương nhận giải vô địch tại vòng bán kết khu vực Đông Á.
|
PV: Vì sao hai bạn gặp nhau trong ý tưởng “Ngân hàng năng lượng cho thành phố thông minh”?
Thùy Dương: Tôi biết cuộc thi này từ trước, sau đó đề nghị Mai Anh tham gia cùng.
Mai Anh: Khi nghe Dương giới thiệu về cuộc thi, tôi đã bị thu hút vì đây là một cơ hội hay để trải nghiệm ở một lĩnh vực hoàn toàn mới.
PV: Để hoàn thiện dự án, các bạn đã phân công công việc như thế nào?
Mai Anh: Ban đầu, chúng tôi nghĩ ra nhiều ý tưởng nhưng vẫn còn “lối mòn” và chưa thuyết phục. Khó khăn là cả hai đều không có nền tảng kỹ thuật. Sau đó, tôi nghĩ rằng, tại sao mình không tận dụng chính chuyên ngành mình học để nghĩ ra giải pháp. Và ý tưởng “Ngân hàng năng lượng cho thành phố thông minh” được ra đời. Sau khi tôi trình bày ý tưởng, Dương đã rất ủng hộ và giúp tôi hoàn thiện với đề xuất vừa quản lý điện năng tiêu thụ vừa điều khiển thiết bị điện từ xa qua smartphone và thiết bị điện tử.
Thùy Dương: Mai Anh đảm nhiệm về mặt ý tưởng, cách tính toán, các công thức trong mô hình để hiện thực hoá ý tưởng. Còn tôi có nhiệm vụ tính toán về mặt chi phí, tài chính cũng như liên hệ, đối ngoại hỏi ý kiến nhiều phía để hoàn thiện dự án.
PV: Hai bạn đánh giá thế nào về các ý tưởng đến từ 8 đội bạn trong vòng thi bán kết? Theo các bạn, vì sao ý tưởng “Ngân hàng năng lượng cho thành phố thông minh” lại giành chiến thắng?
Thùy Dương: Ý tưởng của các đội đều rất hay, thiết thực và cụ thể, xoay quanh những giải pháp kỹ thuật, tận dụng nguồn năng lượng mới như: Năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng thân nhiệt con người… Đặc biệt, các đội còn có sản phẩm thử nghiệm đầy thuyết phục.
Mai Anh: Theo tôi, ý tưởng “Ngân hàng năng lượng” giành chiến thắng vì nó rất khác biệt và có phần táo bạo. Không như những ý tưởng kỹ thuật, ý tưởng quản lý của nhóm là một thứ trừu tượng, không thể sờ được và có vẻ mơ hồ. Nhưng vấn đề năng lượng không chỉ giải quyết bằng đột phá trong công nghệ mà đôi khi là cách quản lý mới, hướng về chính ý thức của con người.
PV: Hiện nay, Mai Anh và Thùy Dương đã sẵn sàng cho cuộc thi chung kết vào tháng 6 chưa?
Mai Anh: Sẵn sàng về mặt tinh thần còn mặt chuẩn bị thì chưa...(cười). Còn rất nhiều thứ phải làm để phát triển ý tưởng thêm một bước nữa, trước khi bước vào một cuộc thi lớn hơn, với những đối thủ mạnh hơn.
Thùy Dương: Để chuẩn bị cho vòng chung kết, đội ENERGY sẽ khảo sát và nghiên cứu trên mẫu từ 500-1.000 hộ gia đình để kiểm tra hiệu quả của mô hình tính toán trong dự án. Đồng thời, sẽ dành thời gian tìm hiểu sâu hơn về mặt kỹ thuật để tăng tính khả thi khi triển khai ý tưởng.
Đặng Huỳnh Mai Anh và Nguyễn Thị Thùy Dương là sinh viên năm thứ 4, Trường Đại học Ngoại thương cơ sở 2 TP.HCM. “Ngân hàng năng lượng cho thành phố thông minh” đề xuất áp dụng cơ chế hoạt động của mô hình “ngân hàng” vào quản lý điện nhằm đảm bảo mức độ ổn định về nhu cầu tiêu thụ điện cũng như khuyến khích tiết kiệm điện trên tinh thần “Càng tiết kiệm, càng có lợi”.
Ngân hàng năng lượng hoạt động trên cơ chế có sự chênh lệch về tiêu thụ điện trong một công đồng nhỏ (từ 20-100 hộ dân như chung cư, khu dân cư, ký túc xá, tòa nhà văn phòng…), lấy phần điện tiệt kiệm (dưới định mức) của người này cho người sử dụng vượt quá vay và trả lãi suất.
|