Tuyên truyền tiết kiệm điện cho học sinh: Mưa dầm sẽ thấm lâu

Làm thế nào để tiết kiệm điện thành nếp sinh hoạt trong nhà trường? Từ góc nhìn giáo dục, các giáo viên đã chia sẻ nhiều bí quyết để xây dựng ý thức tiết kiệm cho học sinh.

Bà Lưu Thanh Thúy, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngọc Khánh, Hà Nội:

Cách hay nhất là dạy học có tích hợp nội dung tiết kiệm điện.

“Chúng tôi quán triệt việc tiết kiệm điện ngay trong các cuộc họp hội đồng giáo viên của trường. Người lớn phải không lãng phí điện thì mới có đủ nhận thức để dạy học sinh cùng tiết kiệm.

Ngoài việc tuyên truyền qua loa phát thanh, đưa nội dung tiết kiệm điện vào hoạt động Đoàn, Đội thì cách hay nhất, theo tôi vẫn là dạy học tích hợp.

Khi dạy các em học vẽ, chúng ta nên gợi ý những ý tưởng về tiết kiệm năng lượng cho học sinh. Hoặc, trong một bài tập đọc về thủy điện trên sông Đà chẳng hạn thì cần nêu những câu hỏi định hướng cho các em về lòng biết ơn những người đã xây dựng công trình. Từ đó, dẫn dắt học sinh về cách dùng điện ra sao để tôn trọng và tránh lãng phí nguồn sáng.

Những giáo viên luôn đặt tâm huyết của mình vào bài giảng thì cũng sẽ tìm ra những câu, từ truyền giảng cho học trò về vấn đề này một cách hiệu quả. Trao cho học sinh ý thức sống biết trân trọng nguồn tài nguyên là câu chuyện dài trong giáo dục”. 

 

Ông Lê Hữu Hùng, Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Bế Văn Đàn, Hà Nội:

Đừng nghĩ tiền điện là tiền chùa!

“Nhà trường chú trọng tuyên truyền, giáo dục tiết kiệm điện cho học sinh vào những tiết sinh hoạt dưới cờ. Đồng thời, các lớp học phải kí cam kết bảo vệ cơ sở vật chất và tiết kiệm điện. Mỗi ngày, trường đều có đội Sao Đỏ đi kiểm tra, nếu phát hiện hành vi vi phạm như quên tắt bóng đèn, quạt trước khi ra khỏi lớp là trừ vào điểm thi đua của lớp đó.

Nhiều phụ huynh đề nghị lắp thêm máy điều hòa, nhưng nhà trường không đồng ý. Giáo viên trong trường tuyệt đối không được đun nấu riêng, trừ việc đun nước sôi để dùng chung. Đừng nghĩ tiền điện là tiền chùa.

Tôi thấy đa số học sinh đã ý thức được việc tiết kiệm điện. Tuy rằng, có một vài em quên tắt điện trong ca trực nhật. Khi đó, thầy Tổng giám thị sẽ nhắc nhở qua loa phát thanh.

Theo tôi, việc tuyên truyền là phải làm thường xuyên để tác động vào ý thức, xây dựng lối sống tiết kiệm cho học sinh”. 

 

 

Bà Bùi Hoa Lê, Tổng phụ trách Đội của Trường Tiểu học Kim Đồng, Hà Nội:

Các tấm gương sẽ làm lan tỏa ý thức.

“Ở Trường tiểu học Kim Đồng, mỗi lớp học đều dán nội dung tiết kiệm điện và tờ hướng dẫn cách sử dụng đồ điện hiệu quả. Các giáo viên chú trọng hướng dẫn các em thực hành tiết kiệm điện trong những hành động dù là nhỏ nhất như: Tắt đèn trong lớp khi ra chơi; tắt quạt, điều hòa nhiệt độ khi trời mát…

Đặc điểm tâm lý của học sinh tiểu học là biết quan sát và làm theo những điều hay, nên việc phát hiện các tấm gương về tiết kiệm điện trong trường để lan tỏa ý thức là cần thiết.

Những giờ sinh hoạt đầu tuần, chúng tôi đều nhắc nhở việc tiết kiệm điện, nước. Mưa dầm thấm lâu, tôi tin các em sẽ có được lối sống sạch và tiết kiệm ở trường và cả ở nhà”.  

 

 

 


  • 26/02/2014 08:45
  • Theo TCĐL chuyên đề Thế giới điện
  • 4933


Gửi nhận xét