Nguyễn Mạnh Đức Tuân: "Muốn có phần mềm tiết kiệm điện ngay cả khi quên tắt các thiết bị điện"

Ít ai biết được rằng phần mềm tiết kiệm điện của Nguyễn Mạnh Đức Tuân, một học sinh lớp 9, trường THCS Nguyễn Du 2 (Hà Nội) lại thành công và dành huy chương Bạc tại Triển lãm sáng chế quốc tế dành cho Thanh thiếu niên 2014 (IYIE) tổ chức tại Đài Loan, lại được bắt nguồn từ những hình ảnh của các cô, chú trong ngành Điện khi đi tuyên truyền tiết kiệm điện. Trao đổi với PV tietkiemnangluong.vn - Nguyễn Mạnh Đức Tuân cho biết: Em muốn sáng chế ra một phần mềm tiết kiệm điện ngay cả khi chúng ta quên tắt các thiết bị điện.

PV: Chúc mừng Nguyễn Mạnh Đức Tuân đã đạt Huy chương Bạc với sáng chế “Phần mềm tiết kiệm điện” tại Triển lãm quốc tế! Vì sao em lại chọn ý tưởng này để đấu trí với hơn 1.000 học sinh đến từ nhiều quốc gia khác?

Nguyễn Mạnh Đức Tuân: Dạ, cũng tự nhiên thôi ạ! Có lần, em nhìn lướt qua màn hình tivi thấy có chương trình tuyên truyền tiết kiệm điện. Rồi em đọc báo mạng thấy các cô chú mặc đồng phục ngành Điện đến các trường tiểu học, trung học hướng dẫn học sinh cách tiết kiệm điện. Nhưng, sao mà trường THCS Nguyễn Du 2 nơi em đang học thì chưa thấy các cô, chú đến?

Mỗi ngày, em ngồi trong lớp học, chú ý đến cách sử dụng bóng đèn, điều hòa. Có lúc, nhiều bạn quên tắt các thiết bị điện khi ra khỏi lớp. Như thế là lãng phí rồi! Em cứ loay hoay với câu hỏi: “Làm gì để không lãng phí ngay cả khi chúng ta quên tắt đèn, điều hòa, quạt?”.

PV: Em theo đuổi một sáng tạo có tính ứng dụng thông minh?

Nguyễn Mạnh Đức Tuân: Vâng, em đã lập trình một phần mềm gắn với việc sử dụng điện. Cũng đơn giản thôi, em tự nghĩ ra một thuật toán để làm ra cái phần mềm mà có thể cài đặt thời gian sử dụng điện. Ví dụ, em cài đặt cái bóng đèn sáng trong 45 phút trên lớp học. Hết 45 phút thì đèn tự tắt, nếu cần tăng thêm thời gian thì mình cài thêm lượng phút/giờ để đèn tiếp tục sáng.

 Nguyễn Mạnh Đức Tuân (đứng giữa) nhận Huy chương Bạc trong cuộc Triển lãm sáng chế quốc tế 2014 (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

PV: Phải mất bao nhiêu thời gian để Đức Tuân hoàn thành ý tưởng này?

Nguyễn Mạnh Đức Tuân: Khoảng hai tháng thôi ạ!

PV: Ai là người đầu tiên lắng nghe em trình bày “Phần mềm tiết kiệm điện”?

Nguyễn Mạnh Đức Tuân: Thầy Hồ Đắc Phương ạ! Nghe xong, thầy cũng chẳng nói gì, chỉ động viên em tham gia cuộc triển lãm với các anh chị học ở trường PTTH chuyên Khoa học Tự nhiên (Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội).

Em học ở trường THCS Nguyễn Du 2, còn thầy Phương dạy ở Trường PTTH chuyên Khoa học Tự nhiên. 

PV: Là thí sinh nhỏ tuổi nhất đoàn học sinh Việt Nam tham gia Triển lãm sáng chế quốc tế lần này. Em có thiếu tự tin khi trình bày ý tưởng trước Hội đồng giảm khảo không?

Nguyễn Mạnh Đức Tuân: Dạ, có gì mà run! Em đã tập kĩ khâu trình bày bằng tiếng Anh, nên khi đứng trước Ban giám khảo thì cứ thế mà nói cho lưu loát chứ!

PV: Em tính ứng dụng sáng chế của mình ở đâu?

Nguyễn Mạnh Đức Tuân: Em muốn sản phẩm của mình được ứng dụng trước tiên tại trường học.

PV: Em suy nghĩ như thế nào về vấn đề tiết kiệm điện?

Nguyễn Mạnh Đức Tuân: Tiết kiệm điện có nghĩa là dùng điện đúng cách để có hiệu quả. Mình phải biết trân trọng các loại tài nguyên sản sinh ra điện như trân trọng công sức lao động của bố mẹ đã nuôi mình khôn lớn, được học hành.

PV: Cảm ơn Nguyễn Mạnh Đức Tuân!

 

“Tôi khuyên cháu nên chọn một ý tưởng vừa tầm tuổi để nghiên cứu. Như thế, người lớn có lòng tin hơn khi đánh giá ý tưởng”, ông Nguyễn Văn Tân - bố của Đức Tuân.

“Ý tưởng là nguồn gốc của phát minh, tôi nghĩ rằng, trách nhiệm của người thầy là phải biết nâng đỡ tài năng”, PGS.TS Nguyễn Vũ Lương - Hiệu trưởng Trường PTTH chuyên Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội.

 


  • 01/02/2014 10:36
  • Kiều Anh (thực hiện)
  • 2453