NSƯT Bạch Vân: Chia sẻ về không gian tiết kiệm điện

Sống trong ngôi nhà đơn giản về tiện nghi, nhưng đầy ắp niềm vui của nghề Ca trù, NSƯT Bạch Vân lần đầu tiên đã trải lòng với phóng viên về ý thức và không gian sống tiết kiệm điện của mình.

PV: Thưa nghệ sĩ, điều gì khiến chị thú vị khi sống trong một ngôi nhà hết sức đơn giản về tiện nghi?

NSƯT Bạch Vân: Biết đâu sự đơn giản mà mọi người nhìn thấy lại chứa đựng một điều gì đó không hề đơn giản. Cuộc đời của một người đàn bà sống chung thân với ca trù như tôi khác hoàn toàn với cuộc sống của người nông dân, cô nhân viên công sở, hay doanh nhân. Tâm tính của một ca nương là luôn day dứt, trăn trở với Ca trù - Di sản văn hóa phi vật thể mà cha ông ta để lại. Không thể bước ra khỏi sự ám ảnh của Ca trù, tôi chỉ biết trôi theo Ca trù mà thôi!

Tôi ngại thay đổi không gian này cũng bởi đây là không gian gia đình của Ca trù mà tôi đã dầy công tạo dựng. Không chồng, không con, ai đã từng khóc cùng tôi? Còn ở đây, sách, đàn đáy, phách, son phấn, áo dài… cùng với lòng yêu say đắm Ca trù đã tạo nên thân phận ca nương của tôi.

"NSƯT Bạch Vân (giữa): "Mức tiêu thụ điện năng 1 năm của tôi bằng 1 tháng của 1 gia đình trung lưu ở Hà Nội" - Ảnh: CTV

PV: Không gian này thực tế còn ít ánh sáng, thừa nóng nực, vậy có khi nào khiến chủ nhân khó cất lên điệu Ả đào?

NSƯT Bạch Vân: Khản giọng thì mới không cất nổi lời của một ca nương! Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng viết “…môi thiên đường hót chim quyên” cơ mà. Không gian nóng, chật, hơi thiếu ánh sáng của tôi đương nhiên không phải là kiểu kiến trúc thiên đường rồi. Bù đắp cho thiếu thốn tiện nghi cuộc sống, thì niềm đam mê đến cuồng điên với Ca trù mới là điều kiện để thăng hoa.

PV: Rõ ràng, chị đã hóa giải mọi thứ theo hướng lạc quan của nghệ sĩ. Có thật chị không quan tâm gì đến chiếc quạt cóc đang treo lơ lửng trên mái tôn kia không?

NSƯT Bạch Vân: Bao nhiêu năm, nó vẫn treo ở đó, bền bỉ quay, gạt bớt cái nóng hầm hập mùa hè. Nó thích phe phẩy hơn là ào ào dội gió như một chiếc quạt có công suất lớn. Nhiều phóng viên báo ảnh, báo hình đều đã đặt các góc máy trong gác xép này để hoàn thành đề tài về chân dung ca nương Bạch Vân. Mọi vật dụng đều cũ kĩ, chỉ đủ để một người đàn bà sống giản tiện. Tôi thấy thế là đủ. Không cần phải lắp điều hòa, dùng tủ lạnh hay máy giặt, vì lấy đâu ra diện tích để chứa?

Tôi cứ để cho những gì liên quan đến Ca trù hiện diện khắp nơi trong gác xép này là tốt rồi.

PV: Như thế, chị là một người tiêu dùng điện năng rất ít. Nhưng “rất ít” ở đây cũng đồng nghĩa với “rất chịu khổ” đúng không chị?

NSƯT Bạch Vân: Tôi nghĩ mức tiêu thụ điện năng của tôi trong một năm khoảng bằng một tháng của một gia đình trung lưu ở Hà Nội, tương đương với giá của 100 cốc kem ốc quế chứ mấy! Làm gì mà “chịu khổ” khi ăn chừng ấy kem ốc quế, đúng không?

PV: Theo chị, gốc của hành vi tiết kiệm là gì?

NSƯT Bạch Vân: Là ý thức. Phải có ý thức thì mới có hành động đúng. Chúng ta đừng lãng phí. Như đối với nguồn điện, tắt bớt đi bóng đèn đường ở thành phố để dành phần soi sáng nhiều bản làng xa xôi. Hoặc công sở bớt kín mít với điều hòa để thắp đèn điện cho các em nhỏ nơi huyện đảo học hành. Nghĩ thế, biết sống là chia sẻ.

PV: Xin cảm ơn chị! 

Lê Thị Bạch Vân đến với ca trù khi 25 tuổi. Bà đã sáng lập và điều hành Câu lạc bộ Ca trù Hà Nội từ năm 1991 đến nay. Ðây là câu lạc bộ Ca trù đầu tiên của Việt Nam.

NSƯT Bạch Vân được Trung tâm Từ điển Oxford và Cambridge của Anh năm 2003 bầu chọn là một trong 2.000 thức giả xuất sắc nhất thế kỷ vì những đóng góp cho Ca trù. 

 


  • 19/12/2013 10:39
  • Theo TCĐL chuyên đề Thế giới điện
  • 2703


Gửi nhận xét