Việt Nam cần giải pháp cấp bách cho biến đổi khí hậu

Các nhà quản lý Việt Nam cần đưa ra các giải pháp cấp bách và hiệu quả để hạn chế tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu cũng như có các cơ chế khuyến khích doanh nghiệp phát triển công nghệ sạch, thân thiện với môi trường để giúp phát triển bền vững.

Đây là những góp ý của bà Maria Selin, Phó đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam, khi trao đổi với báo giới bên lề hội thảo "Mô hình phát triển bền vững của Thụy Điển" diễn ra vừa qua tại TP.HCM. Bà cũng chia sẻ những kinh nghiệm về phát triển bền vững, tăng trưởng xanh và sự hỗ trợ của các doanh nghiệp Thụy Điển trong lĩnh vực này.

Bà Maria Selin - Phó đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam.

PV: Xin bà cho biết lý do tại sao các quốc gia, trong đó có Việt Nam cần có giải pháp cho phát triển bền vững?

Bà Maria Selin: Ở mức độ toàn cầu, những vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu đang tác động hàng ngày lên mọi khía cạnh trong cuộc sống. Việt Nam là một trong những quốc giá chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Do vậy đòi hỏi Việt Nam phải nhanh chóng đưa ra giải pháp cấp bách để thích ứng với biến đổi khí hậu mang tính lâu dài. Các giải pháp ngắn hạn và dài hạn cho phát triển bền vững mà Việt Nam cần làm hiện nay là tập trung vào các lĩnh vực bảo vệ nguồn nước, xử lý chất thải, năng lượng.

PV: Vậy bà có thể chia sẻ một số kinh nghiệm mà Thụy Điển đã thực hiện trong lĩnh vực này cũng như việc phát triển công nghệ sạch, thân thiện môi trường?

Bà Maria Selin: Có nhiều ví dụ mà tôi có thể chia sẻ. Đầu tiên là Chính phủ Thụy Điển đầu tư rất mạnh cho lĩnh vực giáo dục và nghiên cứu liên quan đến công nghệ sạch và phát triển bền vững. Ngoài ra, Thụy Điển cũng có cơ chế khuyến khích sự trao đổi, hợp tác giữa các tổ chức nghiên cứu, giáo dục và các đối tác từ khu vực kinh tế tư nhân.

Giáo dục về môi trường nên được thực hiện từ cấp cơ sở. Nghĩa là trẻ em cần sớm được dạy để nghĩ về việc bảo vệ môi trường, nghĩ về môi trường xanh như thế nào. Trường học là môi trường tốt nhất để chúng ta bắt đầu việc giáo dục về môi trường. Trước mắt, chúng ta nên trang bị cho các giáo viên kiến thức về bảo vệ môi trường, từ đó truyền đạt lại cho học sinh.

Nếu học sinh ngay từ những ngày đầu cắp sách đến trường đã có ý thức về môi trường thì tự chúng có thể cung cấp ngược lại các kiến thức này cho các bậc cha mẹ. Chẳng hạn các con tôi mỗi khi uống nước đóng lon xong thường nói với tôi là lon này có thể tái chế nên cần được để riêng, hoặc pin sử dụng xong các cháu cũng bảo để riêng ra để khỏi ảnh hưởng đến môi trường.

Về sự phối hợp trong nghiên cứu phát triển công nghệ sạch, ở Thụy Điển đã có sự phối hợp rất chặt chẽ giữa trường đại học và doanh nghiệp. Chẳng hạn khi sinh viên có nghiên cứu, đề tài thì các doanh nghiệp sẵn sàng trải thảm đỏ mời về làm các chương trình thực tập, nghiên cứu cho doanh nghiệp. Bản thân các doanh nghiệp cũng được hưởng lợi do thu thập được nhiều thông tin từ thị trường qua các đợt nghiên cứu.

Bảo vệ môi trường, phát triển bền vững cũng phải có sự tham gia của các doanh nghiệp, có thể bằng cách đưa ra các sáng kiến, đầu tư cho công nghệ sạch. Theo tôi, vấn đề bảo vệ môi trường và phát triển bền vững không nên tính toán trong ngắn hạn mà cần có tầm nhìn và nhiều giải pháp kết hợp mang tính dài hạn.

Mỗi một nước đều có đặc thù riêng. Đối với Việt Nam, tôi nghĩ quan trọng nhất là Chính phủ nên có cơ chế khuyến khích, đầu tư cho lĩnh vực nghiên cứu để tạo ra sự kết hợp giữa các trường đại học và thành phần kinh tế tư nhân đề phát triển công nghệ sạch, thân thiện môi trường.

PV: Việt Nam đã đề ra chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, theo bà Việt Nam nên chú trọng vào phát triển lĩnh vực nào để sớm đạt được mục tiêu này?

Bà Maria Selin: Điều đầu tiên tôi muốn nói là với chiến lược tăng trưởng xanh thì Việt Nam đi đúng hướng vì nếu thực hiện chiến lược này hiệu quả sẽ giúp giải quyết nhiều vấn đề liên quan đến tăng trưởng bền vững. Tôi nghĩ một trong những ưu tiên Việt Nam cần tập trung là năng lượng bởi rõ ràng Việt Nam cần có thêm nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo nhiều hơn nếu muốn phát triển bền vững.

Ngoài ra, Việt Nam nên tập trung nâng khả năng quản lý chất thải với các loại khác nhau, từ chất thải rắn, nước thải, chất thải nông nghiệp, chất thải từ chăn nuôi... và biến chất thải này thành nguồn năng lượng có ích phục vụ cho cuộc sống. Đây là những giải pháp được cho là “lợi cả đôi đường” (win-win solutions) vì vừa giúp giảm ô nhiễm môi trường vừa tạo thêm nguồn năng lượng mới.

Tôi muốn nhấn mạnh điều quan trọng nhất là để thực hiện được những điều trên, các nhà quản lý phải tạo ra được các cơ chế công khai và minh bạch để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hướng đến phát triển sạch hơn, bền vững hơn.

PV: Bà có thể cho biết sự quan tâm và xu hướng đầu tư của doanh nghiệp Thụy Điển vào Việt Nam trong thời gian tới?

Bà Maria Selin: Hiện đang có khoảng 70 doanh nghiệp Thụy Điển hoạt động tại Việt Nam trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, công nghệ thông tin, trang trí nội thất, xây dựng…

Hiện nay có một đoàn các doanh nghiệp vừa và nhỏ Thụy Điển đang tìm hiểu cơ hội đầu tư, hợp tác làm ăn tại Việt Nam. Mặc dù đây là các doanh nghiệp vừa và nhỏ nhưng các giải pháp của họ đưa ra rất thực tế.

Chẳng hạn như có doanh nghiệp cung cấp giải pháp xây dựng nhà vệ sinh công cộng thân thiện môi trường, có doanh nghiệp đề xuất được hợp tác phát triển năng lượng từ khí sinh học cho các hộ dân chăn nuôi, lắp đặt hệ thống đèn đường sử dụng năng lượng mặt trời.   

PV: Xin cảm ơn bà về cuộc trao đổi!

 


  • 18/09/2013 02:49
  • Theo: Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online
  • 2590