Nên đưa nội dung tiết kiệm điện vào hệ thống giáo dục quốc gia

Trường THCS Lý Tự Trọng – TP Tam Kỳ là trường đầu tiên trên địa bàn tỉnh Quảng Nam thí điểm triển khai chương trình ngoại khóa “Học sinh tìm hiểu về tiết kiệm điện”. Để đánh giá hiệu quả của chương trình, PV tietkiemnangluong.vn đã có cuộc trao đổi với thầy Nguyễn Tấn Sỹ - Hiệu trưởng nhà trường.

Thầy Nguyễn Tấn Sỹ - Hiệu trưởng trường THCS Lý Tự Trọng - TP Tam Kỳ - Quảng Nam - Ảnh: Phan Trang.

PV: Ông đánh giá như thế nào về hiệu quả sau buổi ngoại khóa đầu tiên “Học sinh tìm hiểu về tiết kiệm điện”, được phối hợp giữa nhà trường với Công ty Điện lực Quảng Nam?

Ông Nguyễn Tấn Sỹ: Trước đây, giáo viên và học sinh của trường vẫn quan niệm tiết kiệm điện là vặn nhỏ quạt và tắt bớt đèn và những đồ dùng điện khác khi không cần thiết.

Nhưng qua những khóa học mà Công ty Điện lực Quảng Nam phối hợp với nhà trường, bằng những dụng cụ trực quan và hành động cụ thể, Đoàn thanh niên Công ty Điện lực Quảng Nam đã giới thiệu tính năng cụ thể, chi tiết của các thiết bị, giúp nhà trường có kế hoạch sử dụng các thiết bị điện sao cho phù hợp với mục đích.

Đó là những kiến thức không mới mẻ nhưng rất ít giáo viên, học sinh hiểu biết một cách đầy đủ. Vì vậy, buổi học ngoại khóa đã đem đến cho giáo viên và học sinh nhà trường những nhận thức mới về tiết kiệm điện.

Trong nội quy của nhà trường cũng đã quy định rõ học sinh ra khỏi lớp phải tắt đèn, tắt quạt. Tuy nhiên, các em  mới chỉ thực hiện một cách bắt buộc ở trong trường vì sợ bị trừ điểm thi đua.

Sau khi có sự phối hợp của Đoàn thanh niên, ngành Điện đã nâng cao hiểu biết cho các em học sinh, để từ đó các em có thể tự chia sẻ, truyền đạt lại cho những người thân trong gia đình mình. Thiết nghĩ, việc ngành Điện phát tờ rơi tới từng hộ gia đình chưa chắc đã hiệu quả bằng việc để chính con em mình truyền đạt lại những kiến thức, việc làm về tiết kiệm điện. Do vậy, nếu ngành Điện cộng tác với ngành Giáo dục thì triển vọng tuyên truyền sẽ rất lớn.

PV: Thời gian tới, nhà trường sẽ tiết kiệm điện thế nào và có tiếp tục duy trì các buổi ngoại khóa để nâng cao nhận thức của các em hoc sinh về tiết kiệm điện hay không, thưa ông?

Ông Nguyễn Tấn Sỹ: Hiện nay, nhà trường đang xây mới 6 phòng thí nghiệm, dự kiến sẽ sử dụng toàn bộ các thiết bị tiết kiệm điện. Mặc dù mức giá đầu tư ban đầu khá lớn, nhưng về lâu dài sẽ đem lại hiệu quả cao, đặc biệt là về tiết kiệm điện.

Trong những chương trình giáo dục của nhà trường hiện đang giảng dạy có nội dung không nằm trong quy định của Bộ GD&ĐT  như nội dung về môi trường, tệ nạn xã hội... Nhưng trường vẫn đưa những nội dung này vào các môn học tương ứng. Đối với nội dung tiết kiệm điện, nhà trường sẽ lồng ghép với môn học Vật lý. Vì môn này là môn dạy học về điện. Với các hoạt động xã hội, hoặc trong các buổi ngoại khóa của nhà trường nội dung tiết kiệm điện sẽ được đưa vào nhằm tuyên truyền và nâng cao nhận thức hơn nữa cho các em về tiết kiệm điện.

Chúng tôi cũng đã đưa nội dung về phối hợp tuyên truyền tiết kiệm điện giữa nhà trường với Công ty Điện lực Quảng Nam lên website của trường và blog của mỗi lớp. Đó là sự cộng hưởng tích cực giữa ngành Điện với trường THCS Lý Tự Trọng.

Trường THCS Lý Tự Trọng - TP Tam Kỳ là trường đầu tiên của tỉnh Quảng Nam thí điểm triển khai chương trình "Học sinh tìm hiểu về tiết kiệm điện - Ảnh: Phan Trang.

PV: Là trường học đầu tiên của Quảng Nam thí điểm triển khai chương trình "Học sinh tìm hiểu về tiết kiệm điện", ông có đề xuất gì để có thể tiếp tục mở rộng chương trình trên địa bàn tỉnh?

Ông Nguyễn Tấn Sỹ: Ngành Điện và ngành Giáo dục nên có sự phối hợp ngay từ đầu năm học, để các trường sẽ chủ động hơn trong việc đưa nội dung tiết kiệm điện vào chương trình ngoại khóa, lồng ghép trong các tiết học, để việc thực hiện được thường xuyên và liên tục, mang lại hiệu quả lâu dài. 

Bên cạnh đó, ngành Điện cũng có thể phối hợp với Đoàn thanh niên, Đội thiếu niên của tỉnh trong việc tuyên truyền tiết kiệm điện. Khi đó, ngành Điện không cần trực tiếp tham gia hỗ trợ tất cả các hoạt động mà bản thân các Hội, Đoàn của tỉnh và ngành giáo dục sẽ làm. Đồng thời, có thể phối hợp tuyên truyền lồng ghép trong các ngày lễ lớn như ngày Môi trường thế giới, ngày Nước thế giới, Giờ trái đất….

Sâu rộng hơn, nên đưa chương trình giáo dục về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả vào hệ thống giáo dục quốc gia, xây dựng kế hoạch chi tiết, tổ chức tập huấn cho đội giáo viên, giảng viên từ Trung ương đến địa phương về phương pháp giảng dạy tích hợp, đưa các nội dung sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả phù hợp với các cấp học. Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp thực hiện.

PV: Xin cảm ơn ông!

Thầy Nguyễn Tấn Sỹ - Hiệu trưởng Trường THCS Lý Tự Trọng - TP Tam Kỳ - tỉnh Quảng Nam: "Ngành Điện là một ngành kinh doanh nhưng bản thân ngành Điện lại đi tuyên tuyền tiết kiệm điện. Mới nghe tưởng chừng vô lý nhưng nếu tìm hiểu kỹ sẽ thấy, điện được sinh ra từ tài nguyên quốc gia và những tài nguyên này không phải là vô tận. Vì vậy, nếu không tiết kiệm sẽ ảnh hưởng đến công tác quản lý và điều hành của chính ngành Điện".

 


  • 05/04/2013 10:42
  • Phan Trang (thực hiện)
  • 3166


Gửi nhận xét