Con đường nào cho phát triển kinh tế xanh tại Việt Nam?

Phát triển kinh tế xanh (KTX) cần phải được chú trọng với những tiêu chí về môi trường, tiết kiệm năng lượng và những tài nguyên thiên nhiên liên quan. Đó là những ý kiến của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan khi trao đổi với PV trang web tietkiemnangluong.vn về con đường cho phát triển KTX tại Việt Nam.

PV: Thưa  bà, vai trò tất yếu của phát triển kinh tế xanh tại Việt Nam là gì?

Bà Phạm Chi Lan: Đối với các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam, KTX tuy còn khá mới mẻ song bước đầu đã có sự chuyển hướng đầu tư vào các công nghệ sản xuất sạch hơn - một trong các tiêu chí của nền KTX.

Chuyên gia Kinh tế Phạm Chi Lan - Ảnh: Ng.Tuấn.

Trong giai đoạn phát triển hiện nay của nước ta, KTX càng ngày càng trở nên bức thiết hơn bao giờ hết. Trong thời gian vừa qua, khi phát triển kinh tế, chúng ta đã gây ra rất nhiều vấn đề về ô nhiễm môi trường, hủy hoại và lãng phí tài nguyên thiên nhiên của đất nước, và làm cho nền kinh tế tuy là có tốc độ tăng trưởng tương đối cao, nhưng lại lãng phí nhiều nguồn lực.

Trước đây, cũng có những quy định rằng nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam phải cam kết mang theo công nghệ, máy móc và thiết bị mới. Tuy nhiên, do sự chạy đua nhằm thu hút thật nhiều dự án FDI (vốn đầu tư trực tiếp) nên càng ngày nhiều địa phương càng dễ dãi hơn khi cấp phép các dự án đầu tư nước ngoài.

Điều này dẫn đến tình trạng có không ít dự án FDI sử dụng công nghệ và thiết bị cũ đã tân trang lại để qua mắt nhà quả lí Việt Nam và hệ lụy là tiêu hao năng lượng lớn, tốn nhiều nguyên vật liệu, năng suất lao động thấp trong khi số lượng các sản phẩm phế thải lại gia tăng, gây lãng phí lớn cho doanh nghiệp và cho nguồn lực của quốc gia.

PV: Vậy, vai trò của KTX đối với các doanh nghiệp trong thời gian tới phải được chú trọng như thế nào, thưa bà?

Bà Phạm Chi Lan: Theo tôi, thời gian tới vai trò của KTX cần phải được nhấn mạnh, với những tiêu chí về môi trường làm sao cho sự phát triển cần thân thiện với môi trường, chứ không thể làm cho môi trường bị xấu đi. Phát triển KTX phải gắn liền với tiết kiệm năng lượng và tài nguyên thiên nhiên liên quan.

PV: Để xây dựng nền KTX các doanh nghiệp cần phải làm gì?

Bà Phạm Chi Lan: Để xây dựng nền KTX thì các doanh nghiệp cần tiết giảm chi phí. Trong thời gian qua, chính chi phí đầu vào cao lên đã làm cho nhiều doanh nghiệp khó khăn khi cạnh tranh. Thực tế nghiên cứu vừa qua cho thấy doanh nghiệp Việt Nam trên tất cả các lĩnh vưc đều có chi phí sản xuất đắt đỏ hơn rất nhiều nước khác, nhất là chi phí nguyên liệu đầu vào và chi phí năng lượng. Chính trong bối cảnh đó, doanh nghiệp cần có ‎ ý thức tiếp cận KTX và xem xét lại quá trình sản xuất của mình để nâng cấp công nghệ sao cho phát triển bền vững.

Cái khó của doanh nghiệp phát triển KTX là ý‎ thức của người đứng đầu doanh nghiệp và quyết tâm thấm nhuần tư tưởng của toàn bộ cán bộ nhân viên về KTX để thực hiện những tiêu chuẩn ngặt nghèo. Đồng thời, cũng phải chia sẻ thông tin với khánh hàng để nâng cao hiểu biết của họ về vấn đề này, nhằm hưởng ứng những hoạt động tiếp theo. Một thách thức khác cho các doanh nghiệp đó chính là chi phí ban đầu, chi phí ban đầu có thể tăng cao nhưng lợi ích về lâu về dài có thể tiết kiệm được chi phí.

PV: Có nhiều nhận định cho rằng những doanh nghiệp nhà nước là những đối tượng không "xanh" nhất, bà nghĩ sao về vấn đề này?

Bà Phạm Chi Lan: Tôi hoàn toàn đồng ý về những nhận định này, doanh nghiệp nhà nước là đối tượng không “xanh” nhất vì họ gây lãng phí năng lượng và tài nguyên nhất, trong khi số nợ của họ liên tiếp tăng trong những năm gần đây và lợi nhuận thì giảm..

Để cải thiện tình trạng này, cần đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước theo hướng minh bạch hóa hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, đồng thời cần áp dụng hệ thống quản trị khoa học hơn để đảm bảo sự minh bạch trong hoạt động của doanh nghiệp và hỗ trợ công tác giám sát hiệu quả hơn.

PV: Theo bà, Nhà nước cần có những điều chỉnh gì để khuyến khích các doanh nghiệp theo hướng phát triển KTX?

Bà Phạm Chi Lan: Nhà nước cần điều chỉnh mạnh mẽ hơn nữa về hệ thống khuyến khích của mình đối với các doanh nghiệp theo hướng khuyến khích những doanh nghiệp làm ăn theo hướng tiết kiệm năng lượng, vật tư đầu vào, tiết kiệm các chi phí và có các hoạt động thân thiện với môi trường hướng tới bảo vệ môi trường một cách bền vững. Đồng thời cần có những biện pháp xử l‎‎í và phạt nặng với các doanh nghiệp gây ra các vấn đề về môi trường, lãng phí tài nguyên và lãng phí năng lượng.

Kinh tế xanh:

Là nền kinh tế ở đó con người là trung tâm, trong đó có các chính sách tạo ra các nguồn lực mới về tăng trưởng kinh tế bền vững và bình đẳng.

Thúc đẩy nền Kinh tế xanh và cải tổ quản lý môi trường là hai nhân tố căn bản đảm bảo tiến trình phát triển bền vững của mỗi nước nói riêng và trên phạm vi toàn cầu nói chung.

 


  • 22/02/2013 05:04
  • Minh Phương (thực hiện)
  • 3346