Doanh nghiệp lợi gì khi tham gia chiến dịch Hiệu quả năng lượng?

Đồng hành cùng Chương trình mục tiêu quốc gia về Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2012 – 2015, Bộ Công Thương đã phát động Chiến dịch Hiệu quả năng lượng, với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Đan Mạch và Tổ chức Tài chính Quốc tế - IFC, Phóng viên trang tietkiemnangluong.vn đã ghi lại những ý kiến đánh giá của lãnh đạo Bộ Công Thương  và Giám đốc Quốc gia Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) về chương trình này.

Ông Trần Tuấn Anh - Thứ trưởng Bộ Công Thương: "Cơ hội giúp doanh nghiệp giảm chi phí, tăng năng suất và lợi nhuận kinh doanh"

Suy thoái kinh tế đang gây rất nhiều khó khăn cho sự phát triển của các doanh nghiệp. Vì vậy, sự ra đời của Chiến dịch Hiệu quả năng lượng sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam có một cái nhìn mới, sâu sắc hơn về tầm quan trọng của việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đối với hoạt động sản xuất kinh doanh.

Bộ Công Thương cũng xác định Chiến dịch Hiệu quả năng lượng là một trong những trọng tâm chính của Chương trình mục tiêu quốc gia về Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2012 – 2015, là tiền đề để xây dựng nền kinh tế tăng trưởng xanh của Việt Nam. Với thông điệp “Nhận thức mới – Sức mạnh mới”, Chiến dịch hàm chứa một ý nghĩa giản dị đó là chỉ với việc thay đổi cách quản lý, vận hành sản xuất, các doanh nghiệp có thể dễ dàng khám phá, khai thác thêm nguồn lực mới ngay nội tại trong sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Đồng thời, khi đăng ký tham gia Chiến dịch, các doanh nghiệp sẽ nhận được sự hỗ trợ về kỹ thuật và tài chính từ Bộ Công Thương, Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam và Tổ chức Tài chính Quốc tế - IFC. Đây cũng là cơ hội giúp doanh nghiệp giảm chi phí, tăng năng suất và lợi nhuận cũng như xây dựng hình ảnh doanh nghiệp có trách nhiệm với môi trường và cộng đồng.

Ông Simon Andrews - Giám đốc Quốc gia Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) phụ trách Việt Nam, Lào, Campuchia và Thái Lan: "IFC sẽ tăng cường hỗ trợ cho các doanh nghiệp thực hiện tiết kiệm năng lượng"

Thời gian qua, IFC đã phối hợp với Bộ Công Thương hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch. Từ đó, ngày càng có nhiều doanh nghiệp hiểu rằng sử dụng năng lượng hiệu quả và sản xuất sạch không chỉ đem lại lợi ích kinh tế mà còn giúp giảm bớt tác động tới môi trường và nâng cao uy tín trên thị trường.

Bên cạnh đó, IFC còn hợp tác với các ngân hàng trong nước như Techcombank và Vietinbank cung cấp các gói tài chính hỗ trợ các dự án sử dụng năng lượng hiệu quả. Đây được coi là thị trường tiềm năng đối với dịch vụ mới của các ngân hàng. Dự kiến, với khoản hỗ trợ của IFC, trong giai đoạn 2012 – 2015 sẽ có khoảng 500.000 doanh nghiệp Việt Nam được hỗ trợ thực hiện các giải pháp giảm thiểu tiêu thụ năng lượng, hướng tới tăng trưởng xanh.

 

Ông Phương Hoàng Kim - Vụ trưởng Vụ KH&CN-TKNL - Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương): "Nhiều ưu đãi dành cho doanh nghiệp"

Trong giai đoạn 2012 - 2015, khi tham gia Chiến dịch Hiệu quả năng lượng, các doanh nghiệp sẽ nhận được sự hỗ trợ về kỹ thuật và tài chính từ: Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) với khoản vay 100 triệu USD cho các nhà máy xi măng và thép; Ngân hàng Thế giới (WB) cũng có khoảng 70 – 100 triệu USD cho các dự án TKNL; Tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản – JICA cho vay khoảng 50 triệu USD.

Bên cạnh đó, Chương trình mục tiêu quốc gia về Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2012 – 2015 sẽ tiếp tục hỗ trợ 30% chi phí đầu tư tiết kiệm năng lượng cho các doanh nghiệp (không quá 5 tỷ đồng/dự án). Nguồn vốn này trong thời gian qua cũng đã được bổ sung từ Chính phủ Đan Mạch với tổng giá trị gần 30 triệu USD.

Về hỗ trợ kỹ thuật, WB dự kiến xây dựng một Chương trình cam kết tự nguyện. Theo đó, khi doanh nghiệp cam kết thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng một cách tự nguyện, không bắt buộc theo luật thì Chương trình sẽ hỗ trợ tư vấn, kiểm toán năng lượng, xây dựng báo cáo đầu tư xin hỗ trợ, vay vốn từ các tổ chức quốc tế để doanh nghiệp thực hiện các cam kết đó.


  • 30/11/2012 04:27
  • Phan Trang (lược ghi)
  • 4526


Gửi nhận xét