Để kiểm toán năng lượng đi vào thực chất

Một trong những giải pháp giảm hệ số đàn hồi điện/GDP là làm tốt công tác kiểm toán năng lượng (KTNL). Làm thế nào để KTNL đi vào thực chất, giúp các doanh nghiệp sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, góp phần làm giảm hệ số đàn hồi điện? Dưới đây là ý kiến của một số chuyên gia trong và ngoài ngành về vấn đề này.

Giáo sư, Viện sỹ Trần Đình Long – Phó chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam:

Cần được phổ biến rộng rãi và nâng tầm về chất

Mặc dù Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã có hiệu lực được gần 2 năm (từ 1/1/2011), nhưng nhìn chung, việc áp dụng Luật hiện vẫn chỉ mới ở giai đoạn đầu. Công tác  KTNL vì vậy vẫn còn nhiều lúng túng, thiếu và yếu cả về nhân lực, vật lực. Bản thân các doanh nghiệp, các đơn vị đã thực hiện công tác kiểm toán năng lượng, song vẫn tồn tại rất nhiều vấn đề phải bàn.

Ví dụ như, tính chính xác của các dữ liệu kiểm toán ở các khâu phân tích hiệu suất sử dụng năng lượng, mức độ tiêu hao, đánh giá khả năng tiết kiệm năng lượng sau kiểm toán… Đặc biệt, công tác hiện đại hóa trang thiết bị, máy móc, chuẩn hóa trình độ nhân sự quản lý năng lượng… của doanh nghiệp sau kiểm toán cũng chưa được chú ý đúng mức. Chưa kể, câu chuyện liên quan đến đầu tư, vốn… là những vấn đề rất nan giải của các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam. Theo tôi, để các doanh nghiệp có ý thức sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, bên cạnh việc thực hiện KTNL đầy đủ, định kỳ, thì giá điện cũng là một vấn đề cần quan tâm. Nếu giá điện được tính đúng, tính đủ theo quy luật thị trường, thì doanh nghiệp sử dụng điện sẽ phải có ý thức tiết kiệm và sử dụng sao cho hiệu quả nhất. Khi đó, KTNL sẽ là một công cụ đắc lực phát huy tác dụng. Chỉ có như vậy, KTNL mới đi vào thực chất, giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả sử dụng điện, góp phần làm giảm hệ số đàn hồi…

Ông Đào Hồng Thái – Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm năng lượng Hà Nội (ECC HN):

Quan trọng nhất là các giải pháp cụ thể

Theo tôi, nhận thức của các doanh nghiệp về tầm quan trọng của công tác kiểm toán năng lượng thời gian gần đây đã có chuyển biến tích cực. Hầu hết doanh nghiệp sản xuất đều hiểu rõ tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng và sử dụng hiệu quả là một cách góp phần làm giảm giá thành sản xuất, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm.

Hiện KTNL chủ yếu chỉ được triển khai tại các doanh nghiệp trọng điểm. Hầu hết các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang trong quá trình phát triển, nên vẫn chưa thực hiện được công tác KTNL. Để công tác KTNL có thể trở thành một việc làm thường xuyên, định kỳ của các doanh nghiệp, trước mắt cần có thời gian để Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả phát huy sức mạnh.

Quan trọng hơn, là phải xây dựng cho được các giải pháp cụ thể, đồng bộ để thực hiện kiểm toán và kiểm toán đạt hiệu quả cao nhất. Các giải pháp cụ thể ở đây bao gồm từ khâu tuyên truyền, xúc tiến, đầu tư, đào tạo con người… đến thanh tra, kiểm tra việc thực hiện sau kiểm toán. Có như vậy, KTNL mới có thể được thực hiện tốt, phát huy tối đa hiệu quả, góp phần thúc đẩy quá trình giảm hệ số đàn hồi điện của nước ta theo Quy hoạch điện VII.

Ông Vũ Ngọc Tuyến - Giám đốc Công ty TNHH Phát triển năng lượng Systech:

Các doanh nghiệp cần nhận thức đúng KTNL

KTNL có thể coi là bước đầu tiên, không thể thiếu để triển khai các hành động tiết kiệm năng lượng một cách có cơ sở và thuyết phục nhất. Tuy nhiên, không ít các doanh nghiệp vẫn chưa thật sự nhận thức hết tầm quan trọng của KTNL. Đa phần mới chỉ có doanh nghiệp nằm trong danh sách cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm quan tâm đến báo cáo kiểm toán năng lượng như một điều kiện cần và đủ để đảm bảo các yêu cầu pháp luật cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Số lượng các doanh nghiệp thuộc diện khuyến khích áp dụng Luật tiến hành KTNL vẫn còn rất hạn chế. Như vậy, điều đầu tiên để công tác KTNL có thể đạt được hiệu quả là: Doanh nghiệp quan tâm đến việc thực hiện KTNL một cách thực chất, hiệu quả - hay nói cách khác là cần tuyên truyền và thay đổi khái niệm của doanh nghiệp về KTNL.

Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được quyền tiến hành tự KTNL. Tuy nhiên, trong thời điểm hiện tại – khi KTNL vẫn còn là một hoạt động chuyên môn mới mẻ, thì việc doanh nghiệp sử dụng các đơn vị cung cấp dịch vụ là điều cần cân nhắc. Năng lực của các đơn vị cung cấp dịch vụ KTNL sẽ quyết định một dịch vụ kiểm toán năng lượng thực chất, hiệu quả. Vì thế đặt ra yêu cầu về đào tạo, nâng cao năng lực kiểm toán viên và quản lý hoạt động của các đơn vị cung cấp dịch vụ KTNL.

Ông Nguyễn Văn Hợp – Phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC):

Cần sự phối hợp từ nhiều phía

Để có thể tính toán được một cách tương đối tiềm năng tiết kiệm điện của các doanh nghiệp sản xuất, cơ quan chức năng cần cung cấp cho các công ty điện lực số liệu về việc tiêu hao năng lượng, đặc biệt là năng lượng điện, đặc trưng cho từng nhóm ngành nghề. Trên cơ sở đó, công ty điện lực phân loại doanh nghiệp, ưu tiên cấp điện cho các doanh nghiệp sử dụng thiết bị, công nghệ tiên tiến, tiêu tốn ít năng lượng.

Khi đó, các doanh nghiệp sử dụng công nghệ lạc hậu, tiêu tốn nhiều điện năng bắt buộc phải tiến hành KTNL. Từ kết quả khảo sát, thu thập, phân tích năng lượng tiêu thụ, doanh nghiệp xác định khu vực sử dụng lãng phí và xây dựng các giải pháp để sử dụng năng lượng hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, để hoạt động KTNL đạt hiệu quả hơn trong thời gian tới, từ đó góp phần giảm hệ số đàn hồi điện/GDP, cần có sự phối hợp của nhiều cơ quan, đơn vị. Các sở, ban ngành và chính quyền địa phương cần thường xuyên tiến hành kiểm tra các doanh nghiệp sử dụng điện lãng phí. Ngành Điện đóng vai trò tham mưu, vừa tích cực phối hợp vừa kiên quyết buộc các doanh nghiệp tiến hành KTNL. Bộ Công Thương cũng cần có hướng dẫn cụ thể cơ quan nào có chức năng thực hiện KTNL để các doanh nghiệp có thể tiếp cận được và tự liên hệ để thực hiện.

Ông Dương Trung Kiên - Phó trưởng khoa Quản lý năng lượng, Trường Đại học Điện lực:

Xây dựng nội dung KTNL phù hợp với từng ngành

Hoạt động KTNL hiện vẫn còn khá mới ở Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp chưa hiểu thế nào là KTNL. Thiếu thông tin, doanh nghiệp chưa nhìn thấy lợi ích của KTNL, vẫn chỉ nghĩ đơn giản là hoạt động kiểm tra. Vì vậy, trong thời gian tới cần đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin tuyên truyền về hoạt động này.

Mặt khác, nên xây dựng những nội dung KTNL phù hợp với từng ngành, từng nghề và tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng. Từ đó, các doanh nghiệp có thể tìm hiểu sâu hơn về hoạt động KTNL phù hợp với đặc thù của ngành mình.

Các công ty dịch vụ về KTNL của Việt Nam hiện nay cũng còn ít, nhân lực  KTNL còn yếu. Hiện, Bộ Công Thương đã thành lập các trung tâm tiết kiệm năng lượng tại các tỉnh trên cả nước. Tuy nhiên, nhân lực của các trung tâm này chủ yếu là chuyển từ các bộ phận khác sang, chuyên môn nghiệp vụ cũng như kinh nghiệm còn nhiều hạn chế. Vì vậy, Nhà nước nên có sự hỗ trợ cho quá trình đào tạo nguồn nhân lực cho hoạt động KTNL để việc thực hiện KTNL đạt hiệu quả.

 

Ông Huỳnh Tấn Quyền, Phó tổng giám đốc Công ty Dây và Cáp điện Thượng Đình- CADI-SUN:

Đầu tư công nghệ hiện đại

Việc kiểm toán năng lượng là lĩnh vực tương đối mới với CADI-SUN. Lộ trình của chúng tôi là mời các chuyên gia trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng và kiểm toán năng lượng để tư vấn, xây dựng kế hoạch cho công ty.

Hàng năm, Công ty CADI - SUN phải chi khoảng hơn 10 tỷ đồng tiền điện, tương đương khoảng 9,5 triệu kWh. Vì vậy, Công ty rất chú trọng đến việc sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả  trong hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Khi mới thành lập, dây chuyền thiết bị công nghệ của Công ty còn lạc hậu nên tiêu hao nhiều điện năng. Đến nay, Công ty đã đầu tư các dây chuyền thiết bị hiện đại, tiết kiệm điện năng, sử dụng thiết bị biến tần (inverter) khởi động và điều chỉnh tốc độ. Sau khi đầu tư công nghệ đồng bộ hiện đại, Công ty đã tiết kiệm được khoảng 20% điện năng, tương đương khoảng 1,9 triệu kWh (2 tỷ đồng mỗi năm). Thời gian tới, Công ty sẽ tiếp tục đầu tư, cải tiến công nghệ, nâng cao ý thức sử dụng điện để tiết kiệm điện và chi phí nhiều hơn. 


  • 08/08/2012 09:35
  • Theo TCĐL chuyên đề Quản lý hội nhập
  • 3266


Gửi nhận xét