Ông Dương Nghĩa Hiệp - Phó giám đốc Sở Công Thương Cần Thơ
|
Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Dương Nghĩa Hiệp – Phó giám đốc Sở Công Thương Cần Thơ - Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm năng lượng Cần Thơ (ECC Cần Thơ) xung quanh vấn đề này.
PV: Với đặc trưng là một tỉnh khá phát triển về sản xuất công nghiệp, ông đánh giá như thế nào về tiềm năng TKNL trên địa bàn Cần Thơ?
Ông Dương Nghĩa Hiệp: So với các tỉnh trên cùng địa bàn, ngành công nghiệp của Cần Thơ khá phát triển, do đó tỷ trọng điện hằng năm tiêu thụ cho sản xuất công nghiệp chiếm gần 70% lượng điện tiêu thụ toàn Tỉnh. Bên cạnh đó, vì những DN trên địa bàn Cần Thơ còn sử dụng công nghệ lạc hậu, tỷ suất tiêu hao năng lượng của máy móc thiết bị khá cao nên sử dụng năng lượng còn chưa hiệu quả, nên tiềm năng TKNL còn khá lớn. Theo khảo sát của ECC Cần Thơ, nếu đầu tư đúng mức, DN khối công nghiệp có thể tiết kiệm khoảng 20% tổng tiêu thụ năng lượng.
Ngoài khối công nghiệp, khối dân dụng cũng là một khu vực có tiềm năng TKNL cao. Tuy nhiên, để thúc đẩy TKNL ở khu vực này cần rất nhiều thời gian vì vấn đề này còn liên quan đến khả năng tài chính của người dân, phải thay đổi nhận thức và thói quen của họ mới có thể thay đổi cách đầu tư trang thiết bị để TKNL. Thời gian tới, ECC Cần Thơ sẽ tập trung vào những mảng còn nhiều tiềm năng TKNL như lĩnh vực sử dụng máy nước nóng, điều hòa không khí… Đây là những thiết bị hiện tại vẫn sử dụng năng lượng chưa hiệu quả và cần đầu tư thay đổi để sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả hơn.
PV: Như vậy, để TKNL, những hoạt động nào đã được triển khai trên địa bàn Cần Thơ thời gian qua, thưa ông?
Ông Dương Nghĩa Hiệp: Với mục tiêu tiết kiệm từ 5-10% tổng tiêu thụ năng lượng giai đoạn 2011-2015, một số hoạt động cụ thể đã được triển khai trên địa bàn Cần Thơ thời gian qua. Việc đầu tiên, mỗi năm ECC tiến hành tư vấn kiểm toán năng lượng cho 5 DN tiêu thụ năng lượng trọng điểm trên địa bàn, đồng thời tư vấn xây dựng mô hình quản lý năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cho các DN đó.
Bên cạnh đó hoạt động TKNL cũng tập trung vào việc xây dựng mạng lưới truyền thông thông qua hệ thống báo đài để tuyên truyền cho người dân về Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, các quy định, hướng dẫn của Chính phủ cũng như địa phương về những chương trình, kế hoạch triển khai hoạt động TKNL. Đối tượng được tập trung tuyên truyền thời gian qua là hệ thống DN, tòa nhà, công sở sử dụng kinh phí ngân sách và cộng đồng dân cư.
Đặc biệt, chương trình TKNL trên địa bàn đã được thực hiện thông qua hệ thống hội đoàn như đoàn thanh niên, hội phụ nữ, hội cựu chiến binh, hội nông dân nhằm đưa hoạt động TKNL đến gần hơn, xây dựng thói quen TKNL cho người dân. Mỗi năm, ECC Cần Thơ còn tổ chức 2 hội thảo để kết hợp với các nhà sản xuất giới thiệu đến người tiêu dùng những trang thiết bị tiên tiến, có thể thay thế các thiết bị thông thường để sử dụng năng lượng hiệu quả. Đặc biệt, Trung tâm TKNL Cần Thơ đang xây dựng 1 showroom trưng bày các sản phẩm TKNL nhằm giới thiệu đến người sử dụng thông tin, hình ảnh, sản phẩm cụ thể. Đây sẽ là điểm đến cho DN và người dân có thể thăm quan những trang thiết bị TKNL. Với những giải pháp này, 5 tháng đầu năm 2012, Cần Thơ đã tiết kiệm được 10,5 triệu kWh, chiếm khoảng 1,7% lượng điện thương phẩm trên địa bàn.
PV: Trong xu hướng các nguồn năng lượng sơ cấp đang dần cạn kiệt, sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo là điều mà nhiều địa phương quan tâm. Vậy Cần Thơ đã có những hoạt động gì để thúc đẩy sử dụng nguồn năng lượng tái tạo và các thiết bị sử dụng năng lượng tái tạo trên địa bàn?
Ông Dương Nghĩa Hiệp: Với đặc trưng là nông nghiệp phát triển, số giờ nắng nhiều, Cần Thơ đang tập trung phát triển các nguồn điện từ nguồn năng lượng sinh khối và năng lượng mặt trời (NLMT). Hiện tại trên địa bàn Cần Thơ đang có 2 dự án sản xuất điện trấu là dự án trấu phát điện của Cty CP Đình Hải tại KCN Trà Nóc và Công ty Nguyễn Trí tại huyện Thốt Nốt, TP. Cần Thơ với công suất ban đầu là 2MW. Dự kiến, đến năm 2015 sẽ nâng công suất hai dự án này lên 10MW. Đây là một hệ thống đồng phát, vừa sản xuất điện, vừa sản xuất hơi.
Bên cạnh năng lượng trấu, Cần Thơ còn phát triển NLMT trên địa bàn thành phố bằng một hệ thống bóng đèn NLMT được trang bị tại huyện Phong Điền, hoặc ở một số ấp cách sông, chưa kéo được điện lưới. Tuy nhiên, nhìn chung, giá điện từ các nguồn năng lượng tái tạo còn khá cao nên cần thời gian để phát triển mạnh hơn nữa.
PV: Để nâng cao hơn nữa hiệu quả của hoạt động TKNL trên địa bàn Cần Thơ, đâu là những giải pháp sẽ được triển khai thời gian tới, thưa ông?
Ông Dương Nghĩa Hiệp: Bằng thực lực hiện có, thời gian tới, ECC Cần Thơ sẽ tập trung đẩy mạnh TKNL cho 27 DN tiêu thụ năng lượng trọng điểm trên địa bàn. Cụ thể, đối với khối đơn vị sử dụng kinh phí ngân sách, trong năm 2012, thực hiện Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Sở Công Thương Cần Thơ sẽ kết hợp với ECC Cần Thơ yêu cầu các cơ sở này thực hiện các báo cáo cơ bản về tiêu thụ năng lượng và tiết giảm năng lượng hàng năm. Từ đó, ECC Cần Thơ sẽ đến, khảo sát tư vấn và giúp họ xây dựng bộ máy quản lý năng lượng, từ đó sẽ có biện pháp quản lý năng lượng một cách tiên tiến, đem lại hiệu quả trong vấn đề sử dụng năng lượng.
Ngoài ra, một số thiết bị công cộng như hệ thống chiếu sáng của thành phố sẽ được đầu tư, chuyển đổi dần sang hệ thống thiết bị tiên tiến hơn, sử dụng năng lượng tiết kiệm hơn.
Đặc biệt, hoạt động truyền thông sẽ tiếp tục được đẩy mạnh thông qua hệ thống hội, đoàn thể như Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, Hội cựu chiến binh để đưa khái niệm TKNL ngày một gần hơn với cộng đồng, từ đó xây dựng và hình thành thói quen TKNL đến mỗi người dân trên địa bàn thành phố, tạo thành sức mạnh thực hiện mục tiêu tiết kiệm 5-10% năng lượng trong giai đoạn 2011-2015 như quy định.
PV: Xin cảm ơn ông!