KTS Khương Văn Mười, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TPHC
|
Dưới đây là cuộc trao đổi giữa phóng viên với kiến trúc sư Khương Văn Mười, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TPHCM, về vấn đề trên.
PV: Kiến trúc xanh được nói đến nhiều trong thời gian gần đây, song vấn đề là làm thế nào để thuyết phục chủ đầu tư tham gia nhiều hơn vào xu hướng này, thưa ông?
KTS Khương Văn Mười: Chủ đầu tư là người bỏ tiền ra đầu tư xây dựng công trình thì phải làm sao cho công trình đó phát huy hiệu quả và có lãi, thậm chí xoay vòng vốn nhanh. Không ai có thể trách khi họ đưa ra quan điểm đó.
Tuy nhiên, giai đoạn đầu tư bất động sản mới đang hình thành, nhiều dự án bắt đầu nói lên tính ưu việt của mình, tức là không gian sống, không gian cây xanh, thân thiện môi trường, sông nước…Trong các quảng cáo của mình, nhiều nhà đầu tư đều nói đến yếu tố xanh. Tại sao vậy? Làm vậy họ sẽ có lợi thế hơn trong việc bán hàng, nếu họ không làm thì người khác sẽ làm. Do vậy, nhà đầu tư một khu đô thị mới buộc phải đưa yếu tố xanh vào thì mới cạnh tranh được. Họ nhận thức được điều đó, và tự họ làm chứ mình không áp đặt được.
Đương nhiên, không phải dự án nào cũng có thể thực hiện được chuyện đó, chẳng hạn khu dân cư nhà ở xã hội, bởi khi làm sẽ làm tăng giá thành. Tuy nhiên, con người dù giàu, dù nghèo thì nhu cầu đều giống nhau. Vấn đề là nghệ thuật của người tư vấn (giới kiến trúc sư, công ty tư vấn thiết kế), phải làm sao cho cái nhà đó giá thấp, nhưng vẫn đầy đủ yếu tố môi trường xanh.
PV: Như vậy cái giá nào phải trả để có được công trình xanh?
KTS Khương Văn Mười: Một số đơn vị nghiên cứu về công trình xanh cho biết để đảm bảo kiến trúc xanh thì chi phí công trình tăng lên 30%. Các nhà đầu tư phải tốn nhiều chi phí hơn cho công trình xanh khiến giá thành sản phẩm đắt hơn và phải bán giá cao hơn. Do vậy thông điệp của chủ đầu tư phải đưa ra là "anh mua cái nhà này với giá này nhưng năm năm sau anh được cái gì? Tiền điện thấp, chi phí vận hành thấp, môi trường sống tốt…". Người sử dụng bỏ ra số tiền cao hơn để mua căn hộ, nhưng họ sẽ được hưởng thụ giá trị của nó về lâu dài.
PV: Tình hình thực hiện công trình xanh tại thành phố hiện nay ra sao?
KTS Khương Văn Mười: Hầu hết các dự án đầu tư hiện nay đều hướng tới kiến trúc xanh. Chúng tôi cũng đang xem xét nhiều hồ sơ của các chủ đầu tư báo cáo để làm thủ tục. Họ đảm bảo về mật độ xây dựng, tầng cao hợp lý, bố cục thông thoáng, tầm nhìn tốt, có công trình công cộng và cây xanh.
Tuy nhiên, cần phải hiểu là công trình xanh không chỉ đơn giản là có nhiều cây xanh. Đó chỉ là một yếu tố để xem xét, là một phần trong các tiêu chí của công trình xanh. Vấn đề sử dụng nguyên vật liệu trong quá trình xây dựng mới đánh giá được, chứ bây giờ hồ sơ đang trên bản vẽ thì chưa thể đánh giá được.
Hiện nay có thể nói rằng mọi người đều hiểu về giá trị và nhận thức được vấn đề, nhưng việc triển khai thực hiện tôi nghĩ là cần phải có thời gian. Những vật tư cung cấp cho công trình xanh phải có giá hợp lý. Chẳng hạn những bóng đèn tiết kiệm điện giá gấp 10 lần bóng đèn bình thường thì rõ ràng người mua cũng phải suy nghĩ, cân nhắc kỹ mặc dầu là tiết kiệm năng lượng.
PV: Hiện tiêu chí công trình xanh đã có, vậy làm sao để việc xây dựng công trình xanh đi vào thực chất hơn, thưa ông?
KTS Khương Văn Mười: Nếu muốn thực chất thì phải thành luật, thành quy định. Bộ Xây dựng cũng đã có những quy định tổng quát về bảo vệ môi trường sống. Tuy nhiên, bảo vệ là luật chung, còn việc triển khai thì bộ chuyên ngành phải làm. Ví dụ lối đi cho người tàn tật, theo luật thì tất cả các công trình đều phải có, nếu không thì không cấp phép xây dựng. Do đó khâu hậu kiểm là rất quan trọng, điều này sẽ giúp kiểm tra các chủ đầu tư có thực hiện đúng hay không.
Với các công trình, bên cạnh việc vận động cũng phải có những quy định chế tài để kiểm soát chặt chẽ, vì mục đích là đem đến lợi ích chung cho xã hội thì người dân sẽ ủng hộ.
PV: Xin cảm ơn ông!