Thêm hỗ trợ về sử dụng năng lượng hiệu quả

Bên lề Hội thảo “Việt Nam - Nhật Bản thúc đẩy các hoạt động hiệu quả năng lượng thông qua việc sử dụng các thiết bị gia dụng theo cơ chế bù đắp tín dụng song phương (BOCM) về cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính tại Việt Nam”, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Huỳnh Kim Tước - Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP.Hồ Chí Minh.

Ông Huỳnh Kim Tước - Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP.Hồ Chí Minh

PV: Xin ông cho biết những ưu điểm chính của BOCM khi được triển khai?

Ông Huỳnh Kim Tước:  BOCM là một hướng đi mới của người Nhật để tiếp tục tạo ra những giải pháp thúc đẩy sử dụng công nghệ nhằm giải quyết các vấn đề môi trường và phát triển xanh. Tôi cho rằng đây là một hướng đi tích cực vì thứ nhất, người Nhật đã có sự chủ động trong việc tìm đến một cách tiếp cận mới nhằm góp phần phát triển bền vững, bảo vệ môi trường. Thứ hai là việc BOCM giải quyết vấn đề theo hướng hợp tác song phương, giải quyết giữa quốc gia và quốc gia với nhau sẽ có ưu điểm là gọn hơn và tránh được những khó khăn như những cơ chế trước đây khi phải giải quyết những vấn đề chung trên phạm vi toàn cầu.
 
PV: BOCM đã bắt đầu được triển khai ở Việt Nam bằng cách hỗ trợ phổ biến điều hòa có gắn biến tần (inverter). Vì sao thiết bị này được hỗ trợ để thúc đẩy sử dụng, thưa ông?
 
Ông Huỳnh Kim Tước: Theo thống kê, điều hòa không khí chính là thiết bị sử dụng nhiều năng lượng nhất trong các tòa nhà tại Việt Nam hiện nay. Bên cạnh đó, hơn 30% năng lượng sử dụng của nước ta hiện nay là trong hộ gia đình. Cho nên giải quyết được bài toán về sử dụng năng lượng hiệu quả và tiết kiệm trong gia đình cũng sẽ giải được một phần quan trọng bài toán năng lượng của Việt Nam. Bên cạnh đó, tiềm năng TKNL trong điều hòa không khí có lắp inverter là rất cao ở Việt Nam, khoảng 16 - 45% so với điều hoà thông thường. Chính vì vậy, đây là một trong những thiết bị đầu tiên được thúc đẩy sử dụng.    
 
Tuy nhiên, hiện nay cũng có một số băn khoăn về tính kinh tế khi sử dụng loại thiết bị này, cụ thể là nhiều ý kiến cho rằng điều hòa inverter có giá khá cao. Đây cũng là băn khoăn hợp lý, nhưng vẫn có thể giải quyết được với hai lý do. Thứ nhất, đây là nhóm thiết bị nằm trong lộ trình dán nhãn năng lượng của Việt Nam. Theo lộ trình này, Việt Nam có những cơ chế để khuyến khích các nhà sản xuất kinh doanh cũng như người tiêu dùng sản xuất và sử dụng các thiết bị TKNL như thế này thông qua các chính sách về thuế. Thứ hai là nếu xét về bài toán kinh tế của người sử dụng hoặc nhà đầu tư khi cân nhắc giữa hiệu quả đầu tư và chi phí năng lượng thì tôi cho rằng càng về sau, tính khả thi khi sử dụng thiết bị này càng cao. Bởi trong vòng đời sản phẩm điều hòa thì chi phí năng lượng chiếm đến 90%, trong khi chi phí mua chỉ chiếm 5-7% mà thôi. Như vậy, khi sử dụng điều hòa không khí có inverter, thời gian hoàn vốn chỉ từ 2-3 năm. Do đó, xét về tính kinh tế là khả thi.
 
PV: Không chỉ sử dụng cho điều hòa, công nghệ biến tần còn có thể sử dụng cho nhiều loại động cơ khác. Việc thúc đẩy các thiết bị khác sử dụng biến tần có được tính đến khi triển khai BOCM ở Việt Nam không, thưa ông?
 
Ông Huỳnh Kim Tước: Biến tần là một thiết bị sử dụng phổ biến trong các loại động cơ để TKNL. Trong thời gian qua, những ứng dụng của biến tần trong các ngành công nghiệp là rất phổ biến. Do đó, với lộ trình thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả như hiện nay, theo tôi, những động cơ sau này ngay từ khâu sản xuất cũng sẽ đưa biến tần vào. Tuy nhiên, hiện nay có một điều bất lợi là biến tần cho các ngành công nghiệp đều phải nhập khẩu vì công nghiệp phụ trợ của nước ta chưa đáp ứng được, nên việc thúc đẩy sử dụng inverter cho các loại động cơ sẽ gặp khó khăn nếu triển khai. Trong tương lai, nếu ta sản xuất được sản phẩm này thì sẽ không có vấn đề gì.
 
Hiện Chính phủ Nhật Bản đã ra một danh mục các thiết bị và xem xét tác động của nó đến hiện trạng của Việt Nam như thế nào về hiệu quả năng lượng hay giảm ô nhiễm môi trường. Do đó, vấn đề các thiết bị nào sẽ được tiếp tục có cơ chế hỗ trợ để thúc đẩy sử dụng, sẽ được hai bên xây dựng trong thời gian tới.
 
PV: Xin cảm ơn ông! 


  • 10/02/2012 03:40
  • Theo Báo Kinh tế Việt Nam
  • 2490


Gửi nhận xét